artLIVE – Ngày 15-11, triển lãm Một Mình Bao La của họa sĩ Bùi Thanh Tâm chính thức được diễn ra. Các tác phẩm thể hiện những sự phản chiếu, suy tư, nhìn ngắm vị trí của con người giữa Vũ Trụ.
Triển lãm Một Mình Bao La trưng bày 11 tác phẩm đặc biệt dựa trên nguồn cảm hứng về hành trình 30 năm theo đuổi âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Họa sĩ Bùi Thanh Tâm sử dụng những thực hành nghệ thuật truyền thống, mang những sự phản chiếu, đối thoại, suy tư và nhìn ngắm Vũ Trụ – điểm khởi nguồn của sự sống thông qua các tác phẩm của mình.
Đôi nét về họa sĩ Bùi Thanh Tâm
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam với chuyên ngành Hội họa sơn dầu. Phong cách của anh tập trung phản chiếu những vấn đề chính trị – xã hội ở Việt Nam cũng như toàn thế giới.
Họa sĩ khắc họa những nhân vật với hành động, thái độ rõ rệt mang phong cách ăn mặc âm hưởng Á Đông để truyền tải thông điệp. Anh dùng sự phù phiếm để bóc trần bản thân, cố tình lấn át người xem bằng nhiều xung đột lòe loẹt về thị giác.
Tác phẩm của nam họa sĩ được trưng bày rộng rãi ở các bảo tàng tư nhân tại Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Đức và các nước Châu Âu, xuất hiện trong các bộ sưu tập tại Châu Á, Thụy Sỹ, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ, Canada. Hiện tại, anh sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Hội họa và Âm nhạc gặp gỡ qua những đường biên sáng tối
Tất cả những bài hát của nhạc sĩ Đỗ Bảo dường như song hành với dòng chảy ký ức của họa sĩ Bùi Thanh Tâm. Đó là hình ảnh mặt trời, những cơn mưa rào, ranh giới của những sớm bình minh.
Âm nhạc của Đỗ Bảo mang lại khung cảnh bao la của một thời đã qua, lặp đi lặp lại trong trí nhớ như một thước phim tua chậm: mùi đất ngai ngái xộc lên cánh mũi trước cơn mưa, ráng chiều lơi lả bên vệ đường hay dư âm mùi khói pháo mỗi độ xuân về.
Trên những khuông nhạc ấy đã hình thành nên một khoảng không gian diệu kỳ, nơi họa sĩ Bùi Thanh Tâm tìm lại được những mảng ký ức tuổi thơ của mình.
Giữa hai tâm hồn chưa một lần gặp gỡ, nhưng lại tồn tại một kết nối tự nhiên kỳ lạ. Một người kể chuyện bằng gam màu, một người khơi dậy những ký ức bằng nốt nhạc. Họa sĩ nhận ra những đường biên lập lờ giữa sáng – tối đồng điệu trong các giai điệu của Đỗ Bảo: đó là đường biên của nhận thức, hiểu biết và cảm xúc mà người nghệ sĩ chân chính nào cũng phải đi đến tận cùng.
Các tác phẩm của họa sĩ Bùi Thanh Tâm và nhạc sĩ Đỗ Bảo đều tồn tại những suy tưởng miên man về kiếp đời và kiếp người. Giai điệu, lời nhạc được viết ra từ nhạc sĩ Đỗ Bảo ẩn chứa nhiều câu hỏi, suy tư về con người, cuộc sống, mang đậm tính triết học.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm bộc bạch: “Tôi đặc biệt yêu thích album “Cánh Cung”, với những bài hát mà tôi cảm nhận là siêu thực, dưới lăng kính hội họa. Nó trở đi trở lại những câu hỏi về sự tự do, tình yêu, hạnh phúc và cả sự cô đơn. Nó vẽ lên những hình ảnh gần gũi, nhưng lại luôn đưa tôi đến một chiều kích không gian khác – vừa Thực vừa Không Thực”.
Từ Một Mình cho đến Bao La
Triển lãm Một Mình Bao La không chỉ gợi lên cho người xem suy tưởng về sự giải thoát của hoài bão, khát vọng sống mà còn khơi dậy trong tâm tưởng những điều lớn lao. Từ đó, mỗi người quay trở về bên trong, quay về lại cái bản thể “Một Mình” để thấu hiểu, nâng niu, trân trọng những gì sẵn có.
Từ “Một Mình” người xem được hướng đến cái “Bao La” khi hòa quyện với âm dương ngũ hành xoay vần trong Vũ Trụ, chạm đến cái ung dung tự tại như những vì lân tinh trên bầu trời.
“So với cõi sống bao la, chúng ta thật bé nhỏ và mong manh. Tuy nhiên điều kì diệu là mỗi chúng ta đều mang một vẻ đẹp duy nhất, độc nhất, đến mức không thể so sánh mình với điều gì” – nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ.
“Có những ngày yêu tràn ánh sáng/Tôi nhìn quanh cơn mưa thủy tinh cuối cùng cũng tạnh/Đã bao nhiêu điều chẳng thể đổi thay” – Chuyện của Mặt Trời, nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Như hình ảnh của mặt trời của những sớm bình minh, hoặc những ráng chiều hoàng hôn phảng phất trên nền trời tăm tối xuất hiện ở các ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Bảo, trong triển lãm Một Mình Bao La, người xem cũng dễ dàng bắt gặp biểu tượng này qua các tác phẩm.
Bên cạnh hình tượng Mặt Trời, họa sĩ Bùi Thanh Tâm mang vào các bức họa biểu tượng hình tròn mang cảm hứng của chữ Zen. Zen đại diện cho sự luân hồi và Vũ Trụ bao la. Đây cũng chính là sự biểu đạt của anh về Vũ Trụ cũng và điểm khởi nguồn của sự sống.
Mặt trời mang đến cho con người tia nắng đầu tiên, giúp vạn vật sinh sôi nảy nở. Mặt trăng lại mang đến sự hiền hòa, cân bằng lại cán cân của âm dương ngũ hành. Dù ta là bất kỳ ai, dù đã sống và tồn tại ở bất kỳ cương vị nào cũng phải tuân thủ theo quy luật của Vũ Trụ.
Con người sinh ra rồi lớn lên, cuối cùng cũng chết đi. Một vòng tuần hoàn khép kín không ai có thể phá vỡ như dòng chảy vô định của thời gian, như sự lặp lại của bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.
Một Mình Bao La gần như mở ra một chiều không gian khác, đặt người xem vào sự mênh mang, khiến mỗi người cảm nhận bản thân như những cái bóng lơ lửng bên trong. Mặt Trời xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong mỗi tác phẩm, tạo thành sự đổi mới trong bố cục và báo hiệu cho những đổi thay.
Với nhạc sĩ Đỗ Bảo, triển lãm Một Mình Bao La cùng các tác phẩm mang một ý niệm khơi gợi những suy tư cùng cảm hứng duy mỹ về con người giữa bao la đời sống, bao la cảm xúc. Dẫu viết về tình yêu buồn vui, dẫu nhịp điệu sống cô đơn hay rộn rã, âm nhạc của Đỗ Bảo với hàng trăm ca khúc đến nay đều thuận với góc nhìn nhân sinh này.
Triển lãm Một Mình Bao La vẫn chào đón người yêu thích nghệ thuật đến thưởng thức tới ngày 30-11 tại phòng trưng bày đương đại Gate Gate Gallery (Hà Nội).
Nguồn ảnh: BTC.