Triển lãm ‘Gặp gỡ’ – nhìn lại chặng đường 14 năm sáng tác nghệ thuật

Trang Dương

|

13:54 21/08/2023

Share

artLIVE –  Triển lãm Gặp gỡ với sê-ri Adam Eva và Con rồng cháu tiên như một trạm dừng nhìn lại chặng đường 14 năm sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Bùi Thanh Tâm từ 2009

Sáng ngày 20-8, triển lãm Gặp gỡ của họa sĩ Bùi Thanh Tâm chính thức khai mạc và mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm tại phòng tranh đương đại Gate Gate Gallery (HN).

Đưa những loại hình nghệ thuật dân gian vào tranh một cách tự nhiên

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm sinh ra và lớn lên ở đồng bằng Bắc Bộ gắn liền với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng nơi đây từ nhỏ. Những loại hình nghệ thuật dân gian ấy đã mở ra nguồn cảm hứng bất tận trong quá trình sáng tác nghệ thuật của họa sĩ. Từ tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống tới tuồng, chèo, quan họ và múa rối nước được họa sĩ chọn làm chất liệu trong con đường theo đuổi sự nghiệp hội họa của mình.

trien_lam_gap_go
Đêm Xuân I: Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, acrylic trên toan

Lớn lên cùng với những nền nghệ thuật phong phú của miền Bắc Bộ nên các yếu tố truyền thống được nghệ sĩ sử dụng nhuần nhuyễn, đưa vào tác phẩm như phần thông điệp bối cảnh không thể thiếu với những biến đổi đương đại của xã hội ngày nay. 

Sáu triển lãm cá nhân trong suốt hơn 10 năm, từ Việt Nam vươn ra khắp thế giới, Hong Kong, châu Âu, Hoa Kỳ,… Bùi Thanh Tâm là một trong những nghệ sĩ tên tuổi đại diện cho nền nghệ thuật đương đại, mang câu chuyện ngày xưa hòa vào tính thời sự với những giá trị nhân văn mỹ học tồn tại song song. 

Tranh dân gian Làng Sình

Tranh dân gian Làng Sình là một dòng tranh lịch sử có giá trị tâm linh và tín ngưỡng của người dân Huế từ lâu đời nay. Khác với những dòng tranh dân gian khác, tranh Làng Sình được dùng riêng trong các dịp cúng bái, lễ tết và sau khi cúng xong sẽ được hoá vàng, đốt và thả sông cho ông bà, tổ tiên. Điều này cho thấy, tranh mang một tinh thần tự tại phản ánh dòng chảy của sự luân hồi. 

Tranh Làng Sình cũng trải qua bao thăng trầm của lịch sử gắn với cố đô Huế và những cuộc chiến tranh. Với Adam EvaCon rồng cháu tiên, quá trình thực hiện tác phẩm đóng phần quan trọng đôi khi hơn chính tác phẩm cuối cùng. Họa sĩ sử dụng một phần những bức tranh Làng Sình được anh sưu tập từ các nghệ nhân Huế đem ngâm chúng trong nước cho đến khi chúng trở về bột giấy của thuở ban đầu. Một phần khác họa sĩ Thanh Tâm đem chúng hoá đốt như một nghi lễ tạo thành một chất tàn tro còn sót lại. 

trien_lam_gap_go
Tranh: Thiên nga đen được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan
trien_lam_gap_go
Tranh: Crazy People và búp bê được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan

Từ bột giấy và tàn tro này họa sĩ pha trộn lại cùng một số chất liệu tổng hợp để trở thành một phần chất liệu cho tranh. Sau đó chất liệu mới này sẽ được tác giả sử dụng để vẽ trên nền tranh Đông Hồ và Kim Hoàng. Quá trình này có thể được nhìn nhận như đó là một nghi lễ hay một sự truy vấn hay tái sinh cho chất liệu.

Triển lãm Gặp gỡ

Gặp gỡ là triển lãm cá nhân nhìn lại chặng đường sáng tác nghệ thuật của Bùi Thanh Tâm từ 2009 tới 2023. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm đặc sắc, nổi bật xuyên suốt quá trình nghiên cứu sáng tác của họa sĩ Bùi Thanh Tâm từ bản phác thảo của ý tưởng khởi nguyên tới những sáng tác, những thử nghiệm mới nhất. 

trien_lam_gap_go
Con rồng cháu tiên được vẽ bằng chất liệu tổng hợp trên Canvas
trien_lam_gap_go
Con rồng cháu tiên được vẽ bằng chất liệu tổng hợp trên Canvas

Bên cạnh những tác phẩm điểm lại từng giai đoạn nghệ thuật, họa sĩ cũng cho ra mắt sê-ri mới Adam Eva và Con rồng cháu tiên nối tiếp thực hành và tư tưởng nghệ thuật từ triển lãm Không có gì ở đằng sau (2020). Trong sê-ri mới Adam Eva và Con rồng cháu tiên, họa sĩ Thanh Tâm tìm về truyền thống tranh dân gian Làng Sình bên cạnh tiếp nối sử dụng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng và Hàng Trống trong chuỗi sáng tác trước đây. 

Họa sĩ chia sẻ: “Hơn 10 năm từ khi tác phẩm còn ngây ngô hồn nhiên cho đến những sáng tạo của giai đoạn hiện tại, tôi tin rằng là một nghệ sĩ tôi có trách nhiệm phải là người tiên phong, chia sẻ những những cảm hứng thú vị của niềm đam mê nghệ thuật. Bằng cách lan tỏa ý nghĩa của tình yêu, thứ mà theo tôi luôn giúp cho chúng ta vượt qua mọi nỗi đau, hàn gắn những vết thương của chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, giúp cho chúng ta tồn tại cho đến ngày nay và mai sau.”

Đối diện với những câu hỏi lớn của lịch sử và nhân loại

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm quay lại những hình tượng khởi thuỷ từ thuở ban đầu như câu chuyện của Adam – Eva hay Lạc Long Quân – Âu Cơ. Hai biểu tượng mang tính truyền thuyết về sự khởi sinh của con người từ góc nhìn Kinh thánh của Phương Tây và từ góc nhìn dân gian của người Việt Cổ. Bên nền những nhân vật tượng trưng như những linh vật, con người của tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống, Adam – Eva hay Lạc Long Quân – Âu Cơ, còn được coi là biểu tượng hai cơ thể nam giới và nữ giới được khởi sinh hay tan biến vào cõi vô tri. 

Sự đối nghịch của những biểu tượng này mang một sự ngạo nghễ và thách thức tạo nên những xung đột của những giá trị cổ điển và hiện đại. Có lẽ đây cũng chính là một minh hoạ toàn cảnh cho xã hội đầy những mâu thuẫn trong thế giới ngày nay. Biểu tượng quả trứng gợi nhớ đến tích chuyện Trăm trứng đẻ trăm con và là biểu tượng của sự khởi sinh: mầm sống hay cái hố đen lớn của vụ trụ sau vụ nổ Big Bang. 

trien_lam_gap_go
Tranh: Adam I
trien_lam_gap_go
Tranh: Adam II

Sự khởi sinh này tuy vậy cũng tồn tại nhị nguyên với chính sự huỷ diệt hay tàn lụi. Từ các biểu tượng, hình thức hay chất liệu sáng tác, Adam Eva và Con Rồng Cháu Tiên là một cuộc gặp gỡ của truyền thống và hiện đại, của di sản và tương lai. Song song với các tác phẩm hội hoạ, họa sĩ Thanh Tâm cũng thử nghiệm với một điêu khắc quả trứng Con rồng cháu tiên trong không gian tạo nên sự đối thoại và tương ngẫu với không gian và kết nối với toàn bộ những tác phẩm còn lại.

Trong một cuộc gặp gỡ 2009, nghệ sĩ Millan Kundera từng chia sẻ: “…Hầu hết các nghệ sĩ hiện đại tầm cỡ đều muốn xoá bỏ đi những thứ “chất cho đầy” ấy, loại bỏ mọi thứ gì do thói quen, mọi thứ gì ngăn cản họ tiếp cận một cách trực tiếp và duy nhất đến cái cốt yếu (cái cốt yếu: cái mà chính người nghệ sĩ, chỉ có anh ta mới nói ra được).” Vì vậy, mong muốn tìm đến cái cốt yếu là mục đích cuối cùng trong hành trình sáng tạo của những người nghệ sĩ. Và với họa sĩ, Gặp gỡ chỉ là một cánh cửa ngẫu hứng mời khán giả chạm vào Cái cốt yếu đó.

Triển lãm Gặp gỡ mở cửa đón khán giả yêu nghệ thuật đến thưởng thức tranh đến hết ngày 30-9.

Nguồn ảnh: Gate Gate Gallery