artLIVE – Triển lãm ‘Gặp gỡ mùa Thu’ tạo nên một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ của bốn họa sĩ ngoài 40 và người thầy Ngô Đăng Hiệp ngoài 60. Sự kết hợp này vượt qua giới hạn sắc màu, không gian và thời gian, chạm đến cảm xúc sâu thẳm của mỗi người. Đặc biệt, triển lãm sẽ trích doanh thu hỗ trợ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do bão lụt.
Nét đẹp đồng điệu đến từ năm trái tim họa sĩ
Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” là một hành trình nghệ thuật tràn đầy xúc cảm, nơi khắc họa câu chuyện sáng tạo của năm họa sĩ tài năng đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam.
Điều đặc biệt làm nên dấu ấn của triển lãm là mối liên kết thầy trò sâu sắc: bốn trong số các họa sĩ đều là những học trò xuất sắc của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp – người thầy đã từng dìu dắt, truyền cảm hứng và chắp cánh cho giấc mơ nghệ thuật của họ từ những năm tháng đáng nhớ tại ngôi trường sư phạm mỹ thuật danh tiếng.
Những tác phẩm nổi bật – Sự hòa quyện giữa cá tính và cảm xúc
Như họa sĩ Ngô Đăng Hiệp đã từng chia sẻ: “Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Đó là tâm hồn của tác giả bàng bạc trong từng nét bút, chấm màu.”, tranh ông mang đến một thế giới tràn ngập sắc màu, nơi những giấc mơ tươi đẹp của mùa thu như được dệt lên qua từng nét cọ.
Từ “Bến Xuân” tràn ngập cỏ hoa đến “Chiều trung du” nhuộm bởi sắc đỏ dịu của đất dưới ánh hoàng hôn, đâu đó có tiếng sáo diều ngân vang, hoặc “Ngô đồng” kiêu hãnh vươn mình, như chạm vào cả đất trời bằng vẻ đẹp tinh khôi và thanh tao nhất. Mỗi bức tranh của họa sĩ là một cõi bình yên, thanh thản nhưng vẫn rực rỡ niềm vui, như thể người xem đang lạc bước giữa không gian trong trẻo của thiên nhiên, của mùa thu ngập tràn ánh sáng và sự sống.
Là bông hoa duy nhất trong nhóm, tranh của Nguyễn Thị Ngọc Ánh chạm đến những cảm xúc sâu lắng, mềm mại mà đậm chất nữ tính. Tác phẩm của cô phảng phất sự nhẹ nhàng, đài trang, như trong “Giấc ngủ trưa” với màu xanh ngọc thanh thoát, hay “Bên kia ô cửa” và “Heo may,” gợi lên những ước mơ giản dị nhưng bay bổng.
Cảm xúc được đẩy lên cao trào qua “Gia đình tôi”, với sắc tím nồng nàn, tinh thần của người mẹ và thiên chức gia đình cũng thấm đượm trong từng chi tiết tác phẩm, chứa đựng khát khao hạnh phúc cả đời cho con. Qua tới “Mẹ ơi con đói” và “Những đứa con của mẹ,” thì sự hy sinh, bao dung và yêu thương của người mẹ được khắc họa sâu sắc, tràn ngập, bền bỉ và vô tận.
Bầu trời của Trần Trọng Đạt là miền ký ức đan xen bằng sắc màu. Những hình ảnh xa xôi bỗng chốc trở về qua nét cọ, làm sống lại tiếng cười, lời nói của quá khứ. Trong tác phẩm “Gặp gỡ mùa Thu”, những gương mặt thầy trò xưa hiện lên rực rỡ, khơi dậy cả một trời kỷ niệm và tình cảm học trò.
Mang dấu ấn phong cảnh của những nơi đã qua, bất chợt hiện về trong tranh: “Thảo cầm viên” một lần dạo bước, “Dưới ánh trăng” trong chuyến viễn du, gió hiu hiu trong “Trước nhà” xào xạc hàng dừa trong nắng ấm, hay tiếng nhạc hân hoan của “Festival Hạ Long” làm rung động cả cánh buồm ngoài khơi…
Trong sự tĩnh lặng êm đềm, tranh của Hà Văn Chúc vẽ lên một miền đất đầy ký ức mộc mạc nhưng sâu lắng. Những vùng đất xa xôi hiện lên với vẻ đẹp tự nhiên, nơi mà “Phong cảnh Đơn Dương” đưa ta vào khu rừng thông xào xạc trong gió và tiếng thác chảy rì rào, hay bức “Tắm” dưới “Đêm trăng” như một giấc mơ đầy chất thơ, với bóng dáng thiếu nữ hòa mình trong ánh trăng huyền ảo.
Bức tranh không chỉ khiến ta lặng người mà còn như khơi dậy trong lòng một nỗi niềm khó tả. Giữa không gian hoàng hôn bảng lảng, nơi ánh “Trăng chiều” rải vàng trên những đóa dã quỳ rực rỡ, ta thấy tình cảm chân thành như người em gái dành cho lữ khách, biến những mảnh đất xa lạ thành chốn thân quen, đầy ấm áp.
Khác với Hà Văn Chúc, thế giới của Đoàn Tuyên là khung trời rực rỡ, sống động. Bảng màu của Tuyên như bầu trời xanh, phản chiếu tâm hồn tươi sáng và trong veo của họa sĩ qua tác phẩm “Dưới chân núi”. bản nhạc của bình minh tạo nên vẻ đẹp tươi mới.
“Ngõ xưa” cất giữ vẻ đẹp thiên nhiên hiện lên qua những vệt nắng vàng tản mạn trên những bức tường, góc phố vắng và con đường, báo hiệu ông trời đã thức dậy từ bao giờ. Họa sĩ lột tả vẻ đẹp chân phương trong “Cảnh quê” bình dị, như người em gái làm việc trước nhà bên ao nhỏ, tỏa ra hương vị hạnh phúc trong sắc trời lóng lánh.
Đặc biệt, không khí yên lặng của “Phố bên sông” hòa cùng nhịp đàn và ký ức khu nhà đa gam màu của hồng cánh sen và xanh ngọc bích trong “Phố cuối chiều”, làm nổi bật một thế giới không hề có nỗi buồn, chỉ có những sắc thái tươi sáng và thân thương, mặc dù thỉnh thoảng cũng hiện lên chút man mác trong tâm hồn của người họa sĩ.
Dòng chảy nghệ thuật liên kết những phong cách riêng biệt
Mỗi họa sĩ mang đến triển lãm một phong cách sáng tạo riêng biệt, nhưng họ cùng nhau gặp gỡ ở điểm giao hòa của tình yêu nghệ thuật. “Gặp gỡ mùa Thu” không chỉ là bức tranh đa dạng về màu sắc, mà còn là sự đồng điệu của tâm hồn, sự giao thoa của những giá trị tinh thần mà họ cùng chia sẻ, cùng hướng đến trong hành trình sáng tác bất tận, đồng thời vẽ nên bức tranh của tình thầy trò trong không gian sâu lắng và đậm chất thơ.
Hơn thế nữa, nhằm thể hiện tinh thần sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng của những người nghệ sĩ, triển lãm sẽ trích một phần doanh thu để hỗ trợ những đồng bào miền Bắc đang chịu đựng thiệt hại nặng nề do bão lụt.
Triển lãm “Gặp gỡ mùa Thu” sẽ mở cửa chào đón du khách thưởng thức không gian nghệ thuật đầy màu sắc và cảm xúc này từ ngày 20/9 – 26/9/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Ảnh: Lý Đợi