Triển lãm ‘Dưới gốc, mờ ảo hiện’ – Hành trình trở về với nguồn cội bản thân 

Annie Nguyen

|

14:15 14/12/2023

Share

artLIVE – Triển lãm Dưới gốc, mờ ảo hiện của hai nghệ sĩ Vũ Trung và Nguyễn Trà Mi đưa người thưởng lãm chìm đắm vào cuộc đối thoại đầy suy tư trên hành trình tìm về bản chất, nguồn cội của bản thân. 

Vào ngày 9-12 vừa qua, tại Gate Gate Gallery – Hà Nội, triển lãm Dưới gốc, mờ ảo hiện của hai nghệ sĩ Vũ Trung và Nguyễn Trà Mi đã chính thức ra mắt công chúng. Hai người nghệ sĩ với hai nền tảng, hai góc nhìn khác biệt xuất phát từ thế hệ và văn hóa nhưng lại cùng gặp gỡ tại hành trình đi tìm căn tính qua những thực hành nghệ thuật truyền thống: gốm và sơn mài. 

gate_gate_gallery
Triển lãm “Dưới gốc, mờ ảo hiện” của nghệ sĩ Vũ Trung và Nguyễn Trà Mi tại Gate Gate Gallery. 

Triển lãm trưng bày hơn mười tác phẩm được hoàn thiện qua những cuộc đối thoại không ngừng vận động, chuyển đổi. Từ đó, dần dà hé lộ mối tương quan giữa nghệ sĩ với chất liệu, giữa đối tượng quan sát và chủ thể. 

Đôi nét về nghệ sĩ Vũ Trung và nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi 

Nghệ sĩ Vũ Trung 

Họa sĩ Vũ Trung tên thật là Vũ Đức Trung, sinh năm 1981 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện đang là Thạc sĩ ngành sơn mài truyền thống. Xuyên suốt sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, nam họa sĩ luôn tìm tòi các cách thử nghiệm và trung thành với sơn ta để vẽ nên những ý niệm về quang cảnh đầy hư cấu, dựa trên sự quan sát cũng như cung bậc cảm xúc mà chất liệu đời sống thường nhật mang lại cho anh. 

trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Đối với họa sĩ Vũ Trung, mối giao cảm giữa nghệ sĩ và phương tiện nghệ thuật nên là một cuộc đối thoại xuất phát từ hai chiều.

Đối với họa sĩ Vũ Trung, mối giao cảm giữa nghệ sĩ và phương tiện nghệ thuật nên là một cuộc đối thoại xuất phát từ hai chiều. Vũ Trung quan niệm rằng chất liệu hay màu sắc có thể được nhìn nhận ở nhiều lăng kính khác nhau. Chính vì vậy, anh tôn trọng bản chất tự nhiên của chất liệu qua sự thấu cảm, lắng nghe và nương theo thay vì cố gắng kiểm soát hay thống trị nó. 

Một vài triển lãm tiêu biểu của nam nghệ sĩ bao gồm: Vũ Trung: Sơn mài là sơn mài (triển lãm cá nhân) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2018; Sự im lặng của các thiên thần (triển lãm cá nhân) tại Đông Phong Gallery, Hà Nội, 2017; AIA Vietnam Eye (triển lãm nhóm) tại Casa Italia, Hà Nội, 2016; Trăm năm sau (triển lãm cá nhân) tại Đông Phong Gallery, Hà Nội, 2015; Miền viễn tưởng (triển lãm cá nhân) tại Mai Gallery, Hà Nội, 2014.

Nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi

Nguyễn Trà Mi sinh năm 1994, là một nghệ sĩ người Đức gốc Việt. Cô hiện đang sinh sống và làm việc tại Halle (Saale), Đức. Nữ nghệ sĩ nhận ra bản thân có sợi dây liên kết sâu sắc với nghệ thuật gốm từ năm 2015 – khi cô bắt đầu theo học tại Trường Gốm Landshut. 

Hiện tại, nghệ sĩ Trà Mi đang theo học nghành Nghệ thuật tạo khối/ gốm tại Trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Burg Giebichenstein. Việc thực hành nghệ thuật với cô chính là sự khám phá đầy năng động rộng khắp các loại hình biểu đạt phong phú như kí họa, các kỹ thuật in ấn và làm gốm sứ. 

trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Nghệ sĩ Trà Mi thường thu lượm và tái cấu trúc những vật dụng quen thuộc trong ký ức của mình.

Nữ nghệ sĩ thường thu lượm và tái cấu trúc những vật dụng quen thuộc trong ký ức của mình. Cô tận hưởng quá trình khám phá những khả năng khác nhau trong mỗi chu trình tạo tác như ném, tạo khối, dựng mô hình cho đến lúc xử lý bề mặt và hoàn thiện. 

Một số triển lãm tiêu biểu tại Đức nghệ sĩ Trà Mi từng tham gia có thể nhắc đến như Triển lãm Bộ sưu tập của Tobias Wachter Mimimi! tại Gallery Irrgang, Leipzig; Triển lãm nhóm Feste Luft tại Pop Up Science, Dresden; Triển lãm nhóm Notes from Home tại Tiff, Leipzig; Triển lãm nhóm Al2O3 2SiO2 2H2O tại Trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Burg Giebichenstein Halle.

Hành trình tìm kiếm “căn tính” để trở về nguồn cội

Từ “gốc” được cả hai nghệ sĩ chọn lựa làm chủ đề chính trong triển lãm lần này. “Gốc” có đa dạng lối diễn đạt và góc nhìn, tùy theo sự chọn lựa của từng cá nhân: gốc cây, nguồn gốc vấn đề, chân tóc hoặc gốc gác của bản thân. Mỗi ý nghĩa này đều hướng đến chiều sâu, nửa chìm nửa nổi hoặc được giấu kín, trốn tránh khỏi sự nhận thức tức thời. 

gate_gate_gallery
Không gian triển lãm “Dưới gốc, mờ ảo hiện” tại Gate Gate Gallery. 

Tuy nhiên, theo một cách thức đầy nghịch lý nào đó, những khía cạnh đã được giấu kín lại ươm lên mầm mống của sự bắt đầu, sự mở rộng và hoàn tất của mọi thứ. Đứng trước ý nghĩa vốn dĩ đa diện nhiều chiều này, trong tiềm thức của cả hai nghệ sĩ dấy lên bao nhiêu nghi vấn: Tại sao lại sử dụng từ “gốc”? Khi nào “gốc” có thể được ta được nhận biết, khám phá, hoặc cảm nhận? Chúng ta ở đâu khi nhận ra chúng ta ở gốc?

Từ hết thảy những điều đó, họ bắt đầu hành trình tìm kiếm và khai phá gốc gác của chính bản thân, chuyển hóa sự tìm tòi ấy vào trong mỗi tác phẩm nghệ thuật để người xem có thể tự mình soi chiếu. 

gate_gate_gallery
Không gian triển lãm “Dưới gốc, mờ ảo hiện” tại Gate Gate Gallery. 

Nghệ sĩ Vũ Trung bắt đầu chuyến hành trình trong không gian thiên nhiên hùng vĩ, qua những chủ thể vĩnh cửu để đưa vào những tác phẩm sơn mài của mình. Khi thưởng thức những tác phẩm, người xem được mời gọi chìm đắm vào những xúc cảm trừu tượng, mờ nhạt, có chút khô ráp, đầy xa vời qua sự miêu tả chân thực. 

Các bức họa của anh lưu trữ bản chất chủ thể, mường tả nguồn năng lượng trong tự nhiên lan tỏa đến môi trường xung quanh. Bằng kỹ thuật sơn mài điêu luyện, Vũ Trung đã định hình, lắng đọng dòng chảy của thời gian bên dưới những nét vẽ của mình. Các tác phẩm được chạm khắc những chi tiết vừa đủ, không hé lộ hoàn toàn bản chất của tự nhiên mà chỉ mô tả lại những lát cắt thiên nhiên đang hòa vào nhau, trao đổi năng lượng với nhau. 

trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Nghệ sĩ Vũ Trung bắt đầu chuyến hành trình trong không gian thiên nhiên hùng vĩ. 
trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Bằng kỹ thuật sơn mài điêu luyện, Vũ Trung đã định hình, lắng đọng dòng chảy của thời gian bên dưới những nét vẽ của mình.

Tất cả các nguyên tố đan xen, chồng chéo lên nhau, hòa hợp và tạo nên một câu chuyện đầy thú vị về thị giác. Các bức họa của nghệ sĩ Vũ Trung đã mở ra một góc nhìn ở góc độ hiển vi, đi xuyên qua dáng vẻ bên ngoài thường thấy của thiên nhiên.

Rời khỏi tầng nghĩa vật lý, nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi đi tìm đến “gốc” trong chính nội tại bản thân mình. Sinh ra và lớn lên giữa hai thế giới khác biệt, cô trải nghiệm về căn tính Việt thông qua cộng đồng hải ngoại. 

trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Nghệ sĩ Nguyễn Trà Mi đi tìm đến “gốc” trong chính nội tại bản thân mình.

Đối với nữ nghệ sĩ, đất nước đã trở thành một thứ gì đó luôn ở gần nhưng dường như lại rất xa xôi. Chọn gốm như một cách thức biểu đạt, Trà Mi dần tạo ra những tác phẩm tái tạo lại hình ảnh ẩn hiện trong ký ức của cô về Việt Nam. Những vệt màu, những hình tượng lưu đọng lại trong tâm thức qua lần cuối cùng về thăm gia đình khi chỉ còn là một đứa trẻ, những vật dụng nhỏ giờ đã được biến hóa thành khối, nung nóng và được nén lại với nhau. 

Tác phẩm của Nguyễn Trà Mi và Vũ Trung dường như đang tồn tại ở hai thái cực đối lập, nhưng với một chút suy tưởng, chúng lại tạo nên những cuộc đối thoại thú vị giữa truyền thống và đương đại đầy riêng biệt của hai thế hệ nghệ sĩ.

trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Chọn gốm như một cách thức biểu đạt, Trà Mi dần tạo ra những tác phẩm tái tạo lại hình ảnh ẩn hiện trong ký ức của cô về Việt Nam. 
trien_lam_duoi_goc_mo_ao_hien
Chọn gốm như một cách thức biểu đạt, Trà Mi dần tạo ra những tác phẩm tái tạo lại hình ảnh ẩn hiện trong ký ức của cô về Việt Nam. 

Những cuộc đối thoại này mang đến cho người thưởng lãm một ngữ cảnh hoàn toàn khác, khuyến khích mỗi người quan sát và nhận thức không chỉ về nghệ thuật truyền thống mà còn mở rộng hàm nghĩa của nó đến bối cảnh hiện thời. Triển lãm mời gọi người xem khai phá sâu hơn những kết nối khi suy tưởng về gốc, bởi khi về đến gốc, những viễn cảnh mờ ảo bắt đầu ẩn hiện. 

Triển lãm Dưới gốc, mờ ảo hiện tiếp tục chào đón công chúng đến ngày 4-2-2024 tại Gate Gate Gallery, Hà Nội. 

Nguồn ảnh: BTC.