artLIVE – Vào ngày 19-12, những bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương sẽ xuất hiện tại Bonhams Paris – một trong năm sàn đấu giá nghệ thuật lớn nhất toàn cầu. Đây là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu đến thế giới một khía cạnh độc đáo của nền mỹ thuật Việt Nam.
Phiên đấu giá với tên gọi Vietnamese Art sẽ được bắt đầu vào lúc 15:00 (theo giờ Paris), ngày 19-12. Bên cạnh những tác phẩm hội họa của cố họa sĩ Lê Văn Xương, phiên đấu giá còn quy tụ các tác phẩm của nhiều bậc danh họa Việt như Lê Phổ, Nguyễn Huyến, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng, Nguyễn Tư Nghiêm, Thành Lễ, Jean Volang, Nguyễn Thế Khang, Trần Lưu Hậu, Trần Duy, Hoàng Sùng, Phạm Luận, Nguyễn Văn Cường, Phạm Huy Thông cùng những họa sĩ đã gắn bó với vùng đất hình chữ S như Charles Jules Duvent, Joseph Inguimberty, Louis Rollet,…
Lãng khách của thế giới hội họa
Tuy xuất thân từ một gia đình khá giả chuyên làm đồ gỗ tại Nam Định nhưng Lê Văn Xương đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật của mình từ rất sớm. Mặc dù không theo học trường lớp chính chuyên về hội họa, ông vẫn giữ được mối giao hảo với các họa sĩ cùng thời như Vũ Văn Thu, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí,… thông qua những cuộc đàm đạo thưởng tranh hay du ngoạn để thực hành nghệ thuật.
Theo gia đình ước tính, trong suốt sự nghiệp của mình, không kể tranh lưu niệm, cố họa sĩ đã để lại khoảng 1000 tác phẩm. Tranh của ông chủ yếu sử dụng các chất liệu như bột màu, màu nước, phấn tiên để mô tả về chân dung con người và đặc biệt là phố phường Hà Nội xưa.
Nếu như Hà Nội bước vào trong tranh của Bùi Xuân Phái với vẻ trầm mặc của “những góc phố ngơ ngác, những mái ngói rêu phong, những mảng tường xiêu vẹo, những cột đèn trơ trọi, những khung cửa sổ không mở ra không gian mà mở vào thời gian” (theo “Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi” – Trần Hậu Tuấn) thì quang cảnh 36 phố phường ấy lại hiện lên qua đôi mắt của Lê Văn Xương với một vẻ độc đáo riêng.
Tranh của ông sử dụng màu sắc trung tính không quá gắt gao kết hợp cùng bối cảnh hài hòa nhằm bộc lộ sự thanh thoát, duyên dáng của thị thành. Lạc bước vào thế giới nghệ thuật của Lê Văn Xương, ta như được đắm mình trong niềm hoài cổ về một Tràng An thanh lịch đã từng hiện lên trong trang văn tinh tế của Thạch Lam, Vũ Bằng hằng khiến bao tâm hồn rung động.
Khác với nhiều nghệ sĩ luôn khát khao tìm ra sự cách tân độc đáo cho tác phẩm của mình, Lê Văn Xương tựa như một lãng khách với tâm hồn giàu chất thơ, dạo bước lãng đãng trên mảnh đất hội họa đa màu sắc.
Đưa “Phố Xương” ra thế giới
Những bức tranh của Lê Văn Xương sớm nhận được sự công nhận của công chúng trong nước, nhưng sau đó chúng lại rơi vào quên lãng trong một khoảng thời gian dài. Bắt đầu từ năm 2016, con gái của cố họa sĩ, nhà sưu tập – diễn viên Lê Y Lan đã nỗ lực bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật của cha mình thông qua nhiều hoạt động như xuất bản sách, tổ chức triển lãm,…
Nhà báo Lý Đợi, người có thâm niên lâu năm trong việc nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Việc làm sách về một người hữu danh đã khó, làm về một người vô tình bị ẩn danh như Lê Văn Xương khó vô cùng. Bao nhiêu chuyến vào Nam ra Bắc, qua Thái Lan, hàng chục lần vào thư viện, cục lưu trữ để tìm kiếm thêm tài liệu. Khi cuốn sách “Vẽ với lòng thanh thản” và triển lãm “Điều kỳ diệu” ra mắt năm 2018, sự lý thú càng rõ ràng hơn”.
Tại phiên đấu giá Vietnamese Art, hai tác phẩm mang đậm phong cách hội họa tinh tế của Lê Văn Xương là Phố Hàng Da và Chùa Một Cột sẽ xuất hiện trước công chúng toàn cầu. Những bức tranh đã truyền tải không khí tự nhiên của đời sống sinh hoạt thành thị thông qua việc tái hiện quang cảnh đường phố và danh thắng tiêu biểu của vùng đất Hà thành. Đây không chỉ là sự ghi nhận đáng trân trọng dành cho tài năng của Lê Văn Xương mà còn là tín hiệu tích cực dành cho nền nghệ thuật Việt.
Những tác phẩm đặc sắc tại Vietnamese Art
Divinité (Thần linh) – Vũ Cao Đàm (1969)
Vũ Cao Đàm cùng với Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu đã trở thành bộ tứ danh họa Việt Nam nổi bật nơi trời Âu. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông được nhận học bổng sang Pháp để nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre. Sau đó, họa sĩ định cư tại đây và tiếp tục sự nghiệp hội họa của mình.
Tranh của Vũ Cao Đàm ảnh hưởng bởi mỹ thuật đương thời ở nước Pháp. Tuy vậy, điểm đặc biệt là ông đã khéo léo “kết hợp hài hòa giữa các trào lưu mỹ thuật phương Tây với bản năng quay về các giá trị truyền thống phương Đông mà ông không có ý định phụ rẫy”. Tác phẩm Divinité (tạm dịch: Thần linh) thể hiện rõ nét phong cách sáng tạo của người họa sĩ này.
Được ký tên, đánh số và đặt tựa đề năm 1984, đây là một tác phẩm sơn dầu được vẽ trên vải canvas. Đi vào một trong những đề tài quen thuộc trong thế giới nghệ thuật của người họa sĩ, bức tranh họa một vị thần nữ ngồi trên tòa sen trắng đã thể hiện sự vẫy vùng của Vũ Cao Đàm với những nét vẽ mềm mại, thơ mộng trên nền những sắc màu tươi sáng.
Đặc biệt, màu xanh trong bức tranh này tựa sự giao thoa giữa trời xanh và nước biếc Địa Trung Hải, đã tạo nên khung cảnh của một chốn bồng lai thanh tịnh không vướng bụi trần.
Cuốn sách lễ nghi bằng đồng và hộp gỗ sơn mài (1858)
Trong lịch sử, các loại sách lễ nghi được Vua, Hoàng Hậu,… ban tặng cho các Hoàng tử, Công chúa. Chúng được sử dụng để ghi lại các công việc quan trọng của triều đình như lễ đăng quang của các hoàng đế, lập hậu hoặc sắc phong thái tử,… Ngoài ra, các loại sách nghi lễ này còn được dùng làm vật thờ cúng sau bằng cách đặt trên bàn thờ gia đình.
Trước đây, những cuốn sách này được làm nên từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làm việc trong xưởng trực thuộc Bộ Nghi lễ. Chúng chủ yếu được làm bằng bạc, đồng mạ vàng hoặc đồng thau và cất giữ trong hộp bạc hoặc hộp gỗ. Tuy nhiên, năm 1862, Pháp áp đặt chính quyền vua Tự Đức phải bồi thường chiến tranh. Khó khăn tài chính này đã khiến vua quyết định thu hồi toàn bộ sách nghi lễ làm từ vàng bạc để thay thế bằng sách đồng.
Vật phẩm được đem ra đấu giá lần này là một cuốn sách nghi lễ được làm ra vào ngày 14 tháng 6 năm thứ 11 đời vua Tự Đức (1858), thay thế cuốn sách bạc mà vua Minh Mạng ban cho dì của ông – Công chúa Phúc Lộc vào năm 1829. Cổ vật này được một chủ ngân hàng Hà Lan ở Việt Nam mua lại vào những năm 1960. Từ đó, nó được lưu truyền qua những đời con cháu trong gia tộc này và cuối cùng đến tay của một nhà sưu tập tư nhân.
Các trang bìa của cuốn sách được làm bằng một tấm đồng dày. Bên trên là họa tiết trang trí tinh xảo theo kiểu repoussée với con rồng bốn móng hung dữ đang đứng quay mặt về phía trước, xung quanh bao phủ bởi sóng nước đang cuộn trào dữ dội. Hai bên con rồng là một hàng hoa hình lục giác, điểm xuyết mỗi góc của trang sách một con dơi.
Cuốn sách bao gồm sáu trang, mỗi trang được chia thành năm cột với hình khắc tinh xảo và chữ Hán. Đây là một cổ vật không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn giàu tính thẩm mỹ, đại diện cho nền mỹ thuật của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta.
Femme tonkinoise (Tạm dịch: Người phụ nữ Bắc Kỳ) – Joseph Inguimberty
Danh họa Joseph Inguimberty sinh năm 1896 tại Marseille (Pháp). Những năm đầu của sự nghiệp, ông sớm rời khỏi quê hương để lên đường chu du nhiều vùng đất mới như như Hà Lan, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha. Như một mối duyên lành, năm 1925, Joseph Inguimberty nhận được lời mời đến dạy nghệ thuật trang trí tại Trường Mỹ thuật École des Beaux-Arts (Hà Nội).
Kể từ đây, ông gắn bó vùng đất này trong hơn hai mươi năm trước khi trở về quê hương của mình. Nền văn hóa lâu đời độc đáo của Việt Nam mang đến cho Joseph Inguimberty nguồn cảm hứng bất tận. Bằng việc hướng dẫn thế hệ trẻ thổi làn gió mỹ học phương Tây vào chất liệu nghệ thuật phương Đông, đặc biệt kích thích sự hồi sinh của tranh sơn mài, Inguimberty dần trở thành một mảnh ghép quan trọng trong sự ra đời của nghệ thuật hiện đại ở Việt Nam.
Inguimberty bị hút hồn bởi cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp của con người nơi vùng nông thôn Bắc Bộ, trong đó đặc biệt là hình ảnh những cô gái đang sinh hoạt đời thường. Femme tonkinoise (Tạm dịch: Người phụ nữ Bắc Kỳ) – bức chân dung về người phụ nữ Việt phản ánh rõ nét đặc điểm này. Tác phẩm thể hiện cảm xúc từ cuộc sống thực tại và phát triển một phong cách hiện thực riêng biệt khiến chân dung con người hiện lên sống động và tự nhiên.
Ảnh: bonhams.com