artLIVE – Trà là một trong những thức uống lâu đời nhất lịch sử loại và mang trong mình nhiều giá trị văn hoá, lịch sử dân tộc. Tuỳ thuộc vào độ hiếm của giống trà và phương pháp sao trà của các nghệ nhân, mà một số loại trà cổ được xem là ‘ngàn vàng khó cầu.’
Trong văn hoá ẩm thực thế giới, từ Á sang Âu, lá trà luôn nắm giữ những vai trò vô cùng quan trọng.
Đối với các nước châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản, văn hóa thưởng trà đã trở thành nét thanh tao dung dưỡng tâm hồn con người, và được xem như đạo tiếp đãi khách quý. Trong khi đó, trà trong văn hoá Tây phương lại là “cầu nối” cho các tầng lớp quý tộc và các nhà chính trị luận bàn sách lược.
Giá cả của trà cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như giống trà, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác, và yếu tố chủ quan như kỹ năng chế biến. Kết hợp với các “truyền thuyết” gắn liền với nguồn gốc của trà, mà “tiếng lành” của chúng ngày càng vang xa, nâng cao giá trị lên một tầm cao mới.
Trà Đại Hồng Bào – Trung Quốc
Đại Hồng Bào đứng đầu danh sách thập đại danh trà của Trung Quốc và được xem là loại trà đắt nhất thế giới.
Lá trà Đại Hồng Bào chính cống chỉ được tìm thấy trên đỉnh núi Vũ Di thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc với sản lượng mỗi năm vô cùng ít ỏi. Xét về độ khan hiếm, giống trà ô long cổ thụ này được thu hoạch từ các “cây mẹ” có niên đại lên đến 300 trăm và hiện chỉ còn lại 6 gốc trên thế giới.
Đồng thời, quá trình thu hoạch và sản xuất trà thủ công cũng góp phần nâng cao giá cả của loại trà này.
Bắt đầu từ phân đoạn hái trà, những người nông dân lành nghề phải nhẹ nhàng hái từng lá trà để đảm bảo chất lượng tuyệt hảo nhất mà không tổn hại đến cây mẹ. Trà sau khi thu hoạch sẽ tiến vào giai đoạn ủ lên men để tạo nên hương vị và màu sắc đậm đà đặc trưng.
Theo đánh giá của các nhà bình phẩm trà, một tách Đại Hồng Bào tiêu chuẩn sẽ gồm nhiều tầng hương vị xen lẫn: đậm đà hương gỗ cổ thụ khi nhấp ngụm đầu tiên và dịu dần với vị ngọt lâu phai trên đầu lưỡi.
Nếu chỉ bình phẩm giá trị của Đại Hồng Bào thông qua hương vị và độ hiếm thì bạn vẫn chưa đi đến được cái cốt lõi của nó. Sở dĩ một ki-lô-gam trà có giá lên đến 1,2 triệu đô la là vì câu chuyện lịch sử ẩn sâu sau lớp lá trà thơm.
Tương truyền vào thời nhà Minh, hoàng đế đã dùng long bào để đổi lấy một bình trà để cứu chữa cho người mẹ đang lâm bệnh nặng của mình. Tất cả vật dụng của hoàng đế từ mũ miệng cho đến y phục đều vô cùng trân quý vì thế bình trà Đại Hồng Bào còn thể hiện cho đạo hiếu vẹn tròn của bậc minh quân.
Trà Gấu Trúc – Trung Quốc
Trà Gấu Trúc được bán trên thị trường với giá cả cao không kém so với các loại danh trà khác của đất nước tỷ dân này. Cụ thể, các nhà phẩm trà sẽ phải chi trả khoảng 3.500 đô la chỉ để sở hữu 50 gam trà Gấu Trúc thiên nhiên.
Yếu tố làm nên giá cả cao ngất ngưởng của lá trà nằm ở phương pháp nuôi trồng độc nhất vô nhị và hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kinh ngạc.
Ông An Yashi, chuyên gia động vật học và giảng viên tại đại học Tứ Xuyên, đã nghiên cứu ra phương pháp sử dụng phân gấu trúc làm phân bón hữu cơ cho cây trà.
Thoạt đầu, ý tưởng táo bạo này nghe có vẻ khó tin nhưng sau nhiều lần kiểm chứng, hương vị độc đáo và giá trị dinh dưỡng của trà đã thuyết phục được các chuyên gia bình phẩm.
“Hệ tiêu hoá của gấu trúc rất kém phát triển nên chúng chỉ có thể tiêu hoá 30% các chất dinh dưỡng có trong cây trúc. 70% chất dinh dưỡng còn lại, gồm các amino axit và polyphenols, sẽ trở thành phân bón ưu việt nhất cho cây trà”, ông Yashi chia sẻ.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, trà Gấu Trúc không có vị lạ hoặc khó chịu khi uống. Trái lại, khi tiếp xúc với nước nóng, lá trà nảy nở dần và đưa hương trà xanh thoang thoảng. Khi nhấp một ngụm nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi và hương thơm thanh mát của lá trúc.
Trà Búp Vàng – Singapore
Dù ở bất kỳ quốc gia và nền văn minh nào thì kim loại quý như vàng đều gắn liền với sự giàu có, xa hoa, và quyền lực. Trong ẩm thực nói chung và giới trà đạo nói riêng, trà dát vàng cũng mang tính biểu trưng tương tự.
Quốc đảo Singapore là nơi duy nhất trên thế giới mà giới mộ điệu trà xa xỉ có thể tìm mua loại trà búp vàng trứ danh. Công ty TWG Tea Company, nhà sản xuất và phân phối độc quyền của loại trà này, đã tiết lộ bí mật đằng sau giá cả đắt đỏ của chúng.
Trà búp sen vàng có nguồn gốc từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Khác với các giống trà phổ thông, trà búp sen vàng chỉ có thể thu hoạch một mùa vụ một năm, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trước khi được phủ một lớp vàng 24 cara lên bề mặt.
Theo thông tin chính thức từ TWG Tea Company, ước tính một ki-lô-gam trà búp vàng sẽ có giá 7.800 đô la.
Trà Silver-Tip Imperial – Ấn Độ
Ấn Độ không chỉ là vùng đất thai nghén của nhiều loại hương liệu quý hiếm mà còn là nơi sở hữu một trong những loại trà đắt đỏ bậc nhất thế giới: trà Silver-Tip Imperial.
Trong một buổi đấu giá trà tư nhân vào năm 2014, người ta ghi nhận một ki-lô-gam trà Silver-Tip Imperial đã được bán ra với con số lên đến 1.850 đô la.
Silver-Tip Imperial xuất thân từ vùng cao nguyên Darjeeling, nơi được thiên nhiên ưu ái với thảm thực vật phát triển và khí hậu ôn hoà phù hợp cho việc canh tác trà.
Phương pháp trồng trà thuần thiên nhiên kết hợp với nguồn phân bón hữu cơ phì nhiêu (vỏ cây, hoa nữ lang, và các khoáng chất khác) đã làm nên hương vị tuyệt hảo của Silver-Tip Imperial.
Những búp trà mơn mởn với phần đỉnh nhọn trông như đầu cây kim phải được thu hoạch bởi những người thợ hái trà lành nghề vào đêm trăng tròn.
Người dân địa phương tin rằng, khung giờ thu hoạch đặt biệt này sẽ giúp lá trà giữ được độ ẩm và gia tăng hương vị.
Trà Gyokuro – Nhật
Trà Gyokuro được xếp vào danh sách các loại trà xanh thượng hạng nhất tại Nhật bản bởi vị umami đậm và hương thơm rong biển đặc trưng.
Được trồng chủ yếu tại vùng đất Uji thuộc thành phố Kyoto, trà Gyokuro đòi hỏi quy trình thu hái và chế biến vô cùng kỳ công. Đây cũng là lý do chính vì sao loại trà xanh có giá lên đến 650 đô la cho một ki-lô-gram.
Sau khi nghệ nhân thu hoạch lá trà thủ công, họ sẽ tiến hành phơi trà ở nơi râm mát trong ít nhất bốn tuần. Quá trình này nhằm hạn chế Theanine chuyển hoá thành Catechin, mang đến vị ngọt dễ chịu của trà.
Người Nhật thường sử dụng loại trà đắt đỏ này để tiếp đãi các vị khách quý nhằm thể hiện sự trân quý và lòng hiếu khách của mình.
Tham khảo:
cushlatea.com
abcnews.go.com
loveindus.com
japanesetea.sg
storiesabouttea.com
teacultureoftheworld.com