Streetwear – Ngôn ngữ thời trang của văn hóa đường phố 

Annie Nguyen

|

15:55 10/11/2023

Share

artLIVE – Streetwear hay Thời trang đường phố đã trở thành một trong những phong cách ăn mặc được yêu thích và luôn đứng đầu xu hướng trong các năm gần đây. 

Streetwear không chỉ là một xu hướng thời trang mà dần trở thành một phần của văn hóa đường phố nói riêng và văn hóa đại chúng nói chung. Từ đường phố New York đến sàn diễn Paris, Streetwear dần khẳng định vị trí của mình trong lịch sử thời trang. 

Sự bắt đầu của Streetwear 

Streetwear ra đời dựa trên thời trang Hip-hop nổi lên ở South Bronx vào cuối những năm 1970. Các nghệ sĩ Hip-hop đã tạo nên phong cách riêng của mình bằng việc kết hợp trang phục thể thao, trang phục cổ điển và hàng hiệu cao cấp. Adidas và Puma được xem như những thương hiệu đầu tiên định hình nên phong cách Streetwear khi kết hợp giữa thể thao và thời trang. 

streetwear
Streetwear ra đời dựa trên thời trang Hip-hop nổi lên ở South Bronx vào cuối những năm 1970. Ảnh: huckmag.com. 

Trong giai đoạn những năm 80 – 90, văn hóa trượt ván cũng góp mặt vào sự phát triển của phong cách Streetwear, đưa các thương hiệu như Vans và Stussy lên hàng đầu. Những thương hiệu này mang đến cho khách hàng kiểu dáng trang phục tiện dụng, thoải mái như quần jean rộng, áo phông ngoại cỡ. 

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Trong giai đoạn những năm 80 – 90, phong cách Streetwear, đưa các thương hiệu như Vans và Stussy lên hàng đầu. Ảnh: i.pinimg.com. 

Họ cũng áp dụng phong cách thẩm mỹ DIY – Do It Yourself, có nghĩa là tự mình làm lấy – vốn vẫn xuất hiện trong phong cách Streetwear ngày nay, với các thiết kế tự sáng tạo lấy cảm hứng từ nghệ thuật Graffiti

Thời trang đường phố tiếp tục phát triển vào những năm 2000, với các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Gucci hợp tác với các nhà thiết kế thời trang dạo phố để tạo ra những bộ sưu tập cao cấp. Supreme, khởi đầu là một cửa hàng giày trượt nhỏ ở New York đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang dạo phố có ảnh hưởng nhất thập kỷ.

Như vậy, Streetwear và ngôn ngữ thời trang của nó không hề được tách biệt hẳn so với dòng Thời trang cao cấp. Phong cách Streetwear là một sự kết hợp đề cao tính cá nhân, thể hiện cái tôi riêng tư của người mặc một cách trọn vẹn nhất. 

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Phong cách Streetwear là một sự kết hợp đề cao tính cá nhân. Ảnh: i.pinimg.com.

Streetwear cho phép người mặc tự do sáng tạo và kết hợp, sự thoải mái và phóng khoáng là hai yếu tố đứng đầu trong phong cách thời trang này. Có thể nói, phong cách này như một loại ngôn ngữ khác của văn hóa đường phố, bên cạnh Breakdancing, Graffiti hay Rap. Streetwear như một tiếng nói bộc lộ những nét cá tính riêng biệt được ẩn sâu trong bản ngã của mỗi người.

Streetwear bắt đầu từ sự phản văn hóa và từ đó đã phát triển thành một thị trường mạnh mẽ trong ngành thời trang với ngôn ngữ, lịch sử, đặc điểm riêng biệt và số lượng người hâm mộ ngày càng phát triển. 

Streetwear qua từng giai đoạn phát triển 

Các thương hiệu thời trang Streetwear đầu tiên thường lấy cảm hứng từ phong cách Heavy Metal – thời trang của các nghệ sĩ nhạc Rock, thẩm mỹ DIY của Punk, các làn sóng mới và nền văn hóa Hip-hop đường phố. 

Từ những năm 80, khi văn hóa đường phố và Hip-hop bắt đầu thu hút được sự chú ý của khán giả phổ thông, Streetwear và ngôn ngữ thời trang của nó bắt đầu tiếp cận đến với nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Trang phục thể thao ngoại cỡ, thoải mái phổ biến hơn quần jean vào thời điểm đó. 

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Trang phục thể thao ngoại cỡ, thoải mái phổ biến hơn quần jean vào thời điểm đó. Ảnh: i.pinimg.com. 

Đến những năm 90, sự phổ biến của dòng nhạc grungealternative rock đã giúp đưa phong cách grunge đơn giản, sờn rách trở thành xu hướng chủ đạo. Giai đoạn này, thời trang Streetwear tiếp nối phong cách của giai đoạn trước với quần áo được in họa tiết hình học táo bạo. Màu sắc chủ đạo thường là xanh, cam, hồng huỳnh quang và xanh axit.

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Giai đoạn này, thời trang Streetwear tiếp nối phong cách của giai đoạn trước với quần áo được in họa tiết hình học táo bạo. Ảnh: ic.pics.livejournal.com. 

Xu hướng thời trang năm 1996–1999 của nữ bao gồm trang phục quyến rũ, quần bó, váy suông, quần cạp cao, tất đến đầu gối, vòng cổ nhựa, váy ngắn cạp cao và áo len đan. Còn cánh đàn ông lại ưa chuộng mặc áo khoác bóng chày, áo khoác Baja, quần yếm, quần jean rộng thùng thình, bộ đồ thể thao như trang phục thường ngày. 

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Thời trang Streetwear những năm 90. Ảnh: i.pinimg.com. 

Vào những năm 2000, mức tiêu thụ thời trang nhanh tăng lên. Xu hướng thời trang nhanh cho phép người mua sắm sở hữu những món đồ thiết kế với giá thấp, cho phép chấp nhận và sản xuất những kiểu dáng đa dạng. 

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Thời trang đường phố đã được đón nhận rất nhiều và dường như không hề có dấu hiệu chậm lại. Ảnh: i.pinimg.com. 

Streetwear trong giai đoạn này vô cùng phong phú, quần áo được kết hợp với nhiều phụ kiện như khuyên tai, thắt lưng, trang sức. Đặc biệt, hình xăm và xỏ khuyên trở thành một trong những đặc trưng phổ biến trong phong cách Streetwear tại thời điểm này. Thời trang đường phố đã được đón nhận rất nhiều và dường như không hề có dấu hiệu chậm lại. Các xu hướng đến rồi đi và quay trở lại nhưng Streetwear vẫn luôn có được một ví trí nhất định trong lòng người hâm mộ.

Đặc trưng và những phong cách thường thấy trong Streetwear 

Đặc điểm của phong cách Streetwear

Mặc dù Streetwear mang rất nhiều phong cách thời trang khác nhau, nhưng vẻ ngoài Streetwear thường tập trung vào bốn yếu tố cơ bản:

Sự thoải mái

Quần áo Streetwear bao gồm trang phục thường ngày và các món đồ thể thao chủ yếu như áo nỉ và quần chạy bộ. Nếu bạn không thể hoạt động thoải mái trong bộ trang phục đó thì có lẽ đó không phải là thời trang Streetwear.

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Quần áo Streetwear bao gồm trang phục thường ngày và các món đồ thể thao chủ yếu như áo nỉ và quần chạy bộ. Ảnh: i.pinimg.com

Sự khan hiếm 

Văn hóa Hypebeast chủ yếu tập trung vào các mặt hàng phiên bản giới hạn. Sự khan hiếm này có thể làm cho các mặt hàng được săn lùng và mang tính thời trang hơn. Đó là nguyên tắc tương tự làm nền tảng cho dòng Thời trang cao cấp, nhưng Thời trang đường phố lại dễ dàng tiếp cận hơn.

Phong cách Menswear

Mặc dù Streetwear phổ biến với mọi người thuộc mọi giới tính nhưng nó lại gắn chặt với trang phục nam và những món đồ nam tính truyền thống như áo khoác bomber và quần áo bảo hộ lao động.

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Streetwear phổ biến với mọi người thuộc mọi giới tính nhưng nó lại gắn chặt với trang phục nam và những món đồ nam tính. Ảnh: i.pinimg.com. 

Nghệ thuật đương đại

Một số mẫu áo thun có họa tiết và logo Streetwear thành công nhất đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại hoặc nhại lại những tác phẩm cổ điển. Điều này vẫn thường gây ra những sự tranh cãi lớn với đại chúng và giới mộ điệu.  

Làm sao để diện Streetwear thật “ngầu”?

Một phần quan trọng của thời trang Streetwear là mua bán – trao đổi những món đồ phiên bản giới hạn. Mặc dù điều đó có thể không khả thi đối với tất cả mọi người, nhưng vẫn có nhiều cách để kết hợp, tạo nên những bộ cánh Streetwear khác biệt cho bản thân.

Đầu tư vào giày thể thao

Giày thể thao thường là phần quan trọng nhất tạo nên vẻ ngoài của một hypebeast – những người yêu thích sử dụng các thương hiệu đắt tiền. 

Lựa chọn trang phục với logo đơn giản

Sự trung thành với thương hiệu là một phần quan trọng của văn hóa thời trang Streetwear. Vì vậy, hiếm khi thấy một người hâm mộ thực sự khoác lên mình nhiều thương hiệu khác nhau trong cùng một diện mạo. 

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Sự trung thành với thương hiệu là một phần quan trọng của văn hóa thời trang Streetwear. Ảnh: i.pinimg.com. 

Nếu bản thân có một số lượng hạn chế các mặt hàng từ các nhãn hiệu khác nhau, hãy thử sử dụng từng logo một và bổ sung phần còn lại bằng quần áo, phụ kiện đi kèm. 

Chú ý đến tỷ lệ

Một trong những thành công lớn nhất của Thời trang đường phố là đưa áo nỉ vào lĩnh vực Thời trang cao cấp. Những người đam mê Streetwear thường mặc đồ denim rộng thùng thình, áo nỉ ngoại cỡ và các loại quần áo ngoại cỡ khác, phá vỡ các quy tắc về tỷ lệ đối với hiệu ứng thời trang.

streetwear_thoi_trang_duong_pho
Những người đam mê Streetwear thường mặc đồ phá vỡ các quy tắc về tỷ lệ đối với hiệu ứng thời trang. Ảnh: i.pinimg.com. 

Thể hiện nét cá tính riêng

Nguồn gốc của thời trang dạo phố nằm ở sự phản văn hóa và DIY. Tuy nhiên, Streetwear không hề tồn tại một quy cách, không có việc mặc đúng hay sai, đối với Thời trang đường phố, người mặc hãy là chính mình. 

Tham khảo

temple-wear.com 

medium.com

basic-magazine.com

whowhatwear.com

vintage-folk.com