artLIVE – Với phong cách thiết kế độc đáo, hài hòa với thiên nhiên, sân vận động Cù Châu là một kiến trúc nổi bật, kết hợp giữa cảm hứng nghệ thuật và sự năng động của thể thao.
Sân vận động Cù Châu tọa lạc tại thành phố Cù Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Nằm trên khu đất hình chữ nhật có diện tích khoảng 700.000 mét vuông, sân vận động được xây dựng bởi đội ngũ kiến trúc sư đến từ MAD Architects, do kiến trúc sư Ma Yansong lên ý tưởng thiết kế.
Có những gì bên trong khu phức hợp thể thao Cù Châu?
Ngay từ lúc những ý tưởng đầu tiên được đặt nền móng, tham vọng của đội ngũ thiết kế chính là tạo ra một khu phức hợp có kiến trúc mạch lạc, bao gồm nhiều cơ sở vật chất khác nhau.
Ngoài sân vận động chính, khu phức hợp còn có sân tập với đường chạy, nhà thi đấu cho 10.000 khán giả, bể bơi trong nhà với khán phòng 2.000 người, phòng tập, khách sạn, trung tâm thanh thiếu niên, bảo tàng công nghệ và các cơ sở thương mại.
Một đặc điểm khác biệt của khu phức hợp là cảnh quan đầy khác biệt. Không gian được thiết kế để gợi lên vẻ đẹp của địa hình xung quanh, với vô số ngọn đồi và sườn dốc. Theo ý tưởng của kiến trúc sư, sự đối lập này giúp dự án hiện lên trong tâm trí người xem như cảnh quan ngoài Trái Đất hường thấy trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.
Sân vận động đã chính thức hoạt động từ ngày 22 tháng 10 năm 2021. Sự kiện khai mạc sân vận động là lễ khai mạc giải đấu đa môn lần thứ tư, nhằm xác định những vận động viên xuất sắc nhất của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Sân vận động là “trái tim” của trung tâm thể thao phức hợp
Với sức chứa ấn tượng 30.000 chỗ ngồi, kiến trúc sân vận động đã được MAD Architects hình thành trong hơn bốn năm. Sân vận động không chỉ được coi là một không gian năng động, liền kề với trung tâm đô thị của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thể thao và giải trí, mà còn là sân khấu cho phép sự “kết nối tâm linh” giữa con người và thiên nhiên được diễn ra.
Các nhà thi đấu và bể bơi trong nhà nhìn từ bên ngoài trông như những ngọn đồi cao. Phần lớn khu vực được phủ xanh bằng bãi cỏ. Khu phức hợp có nhiều con đường đi bộ và đi xe đạp đan xen, đồng thời một hồ nước rộng lớn cũng được đưa vào khu vực trung tâm.
Được mô tả là “viên ngọc quý mới nhất của thành phố”, sân vận động ở Cù Châu là tòa nhà lớn nhất trong khu phức hợp. Nhìn từ trên xuống, sân vận động chính nhìn tựa như miệng núi lửa. Các sườn dốc với kích thước không đồng đều như thể làm mờ ranh giới giữa tòa nhà và khung cảnh bao quanh.
Mái che của sân vận động được làm bằng thép, trong khi bề mặt phía trên được phủ bằng màng nhựa. Mặc dù có khung thép chắc chắn và cứng cáp nhưng mái che vẫn toát lên vẻ nhẹ nhàng, mềm mại nhờ màng PTFE tổng hợp truyền ánh sáng được bọc quanh nửa dưới kiến trúc bê tông.
Ngoài ra, thiết kế của mái che còn các lỗ siêu nhỏ giúp cải thiện hiệu suất âm thanh trên toàn sân vận động. Mặt trên vẫn tiếp tục sử dụng màng PTFE để ngăn mưa lọt vào bệ ngồi lớn. Kiến trúc sư Yansong cho biết thêm: “Trên toàn bộ cấu trúc sân vận động được thiết kế để hấp thụ, lưu trữ và thấm nước mưa. Điều này sẽ có thêm tác dụng bảo vệ công trình khỏi thiệt hại do mưa quá mức và giảm đáng kể biến động nhiệt độ cũng như tiêu thụ năng lượng”.
Sáu mươi bộ tường với các cột bê tông nhẵn hỗ trợ sân vận động, có vân gỗ lộ ra ngoài để tăng thêm sự ấm áp cho thiết kế và tạo thêm kết cấu cho vật liệu. Phần bên trong được thiết kế bao gồm thép tự đỡ, trên đó bọc vật liệu màng phát sáng mờ, để đảm bảo hình dạng cần thiết cho cấu trúc.
Ngoài việc cung cấp không gian cho lượng khán giả tối ưu, thiết kế của sân vận động Cù Châu chủ yếu nằm dưới lòng đất, được tích hợp một loạt các tính năng bền vững. Tất cả các vật liệu bê tông sử dụng để xây dựng đều được sản xuất tại địa phương thay vì vận chuyển từ nơi khác, giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Hơn nữa, những khoảng không gian mở rộng giúp cho ánh sáng tự nhiên xuyên qua nhà để xe, cũng như các lối vào sân vận động. Điều này làm cho đa số khu vực được phủ rợp bóng râm và ánh sáng nhân tạo.
Tác phẩm nghệ thuật được xây dựng trên tinh thần thể thao
Ý tưởng của Yansong về sân vận động Cù Châu chính là mong muốn xây dựng một công trình thể thao hài hòa với thiên nhiên như một “cảnh quan thơ mộng nằm ở đâu đó giữa Trái Đất và sao Hỏa”.
Sân vận động phá vỡ lối kiến trúc thể thao thông thường. Nó được hình thành như một tác phẩm nghệ thuật trên đất liền hòa mình vào thiên nhiên, lan tỏa tinh thần thể thao.
“Chúng tôi mơ ước không chỉ tạo một công trình về thể thao và sinh thái mà còn biến nó thành một công viên nghệ thuật đầy độc đáo, thiết lập mối quan hệ giữa di sản thành phố và lịch sử văn hóa Shanshui” – Kiến trúc sư Ma Yansong chia sẻ.
Được bao quanh bởi một khu rừng rậm rạp với những tán cây cao tách biệt, khuôn viên khu thể thao bao gồm một loạt các ngọn núi và hồ nước tuyệt đẹp. Du khách có thể di chuyển qua công viên bằng cách vượt qua địa hình mà đỉnh cao là sân vận động hình miệng núi lửa.
Sân vận động có thể được xem như một phép ẩn dụ tinh thần, mời gọi mọi người tham gia vào cuộc đối thoại với Mẹ Thiên Nhiên. Những con đường giữa núi và hồ khuyến khích mọi người đi bộ xung quanh công viên, chạy dọc theo những con đường mòn hoặc chỉ cần ngồi thư giãn trên bãi cỏ để ngắm cảnh.
Khuôn viên thể thao Cù Châu mang đến một sự tiếp thu độc đáo về mô hình xây dựng đô thị hài hòa với thiên nhiên. “Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên không chỉ liên quan đến hệ sinh thái và tính bền vững, mà còn liên quan đến tinh thần và tâm trạng”, kiến trúc sư Ma Yansong chia sẻ.
Tham khảo
stirworld.com
stadiumdb.com
designboom.com