artLIVE – Triển lãm READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải đi tìm và định hình, tôn vinh nhân dạng của phong cách Streetwear thông qua các tác phẩm sưu tầm đầy độc đáo.
Ngày 10-11, tại không gian trưng bày Sun Life Flagship – De La Sól, Sun Life Vietnam kết hợp cùng các nghệ sĩ tổ chức triển lãm READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải. Triển lãm trưng bày các trang phục theo phong cách Streetwear, các tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật đường phố. Không gian triển lãm không chỉ tôn vinh vẻ đẹp vốn có của Streetwear mà còn lan tỏa những thông tin thú vị về phong cách này.
Niềm cảm hứng từ phong cách Streetwear
Streetwear có một điểm khởi đầu khá là khiêm tốn. Phong cách này ra đời bằng sự giao thoa giữa các văn hóa đường phố như trượt ván, Hip-hop,… vào những năm 1980 – 1990 tại Mỹ.
Trước khi có được cái tên như bây giờ, Streetwear là một sự góp nhặt từ những trang phục thường ngày, trang phục lao động và trang phục thể thao. Điều tạo nên một món đồ Streetwear chính là thái độ đặt lên những bộ quần áo. Sự phóng khoáng của đường phố chính là điểm riêng trong những bộ trang phục này.
Streetwear đã chuyển hóa những biến tấu đó thành ngôn ngữ cá nhân, thông qua các bộ quần áo thùng thình, qua việc đi ủng thì lật lưỡi gà hay những chiếc mũ lưỡi trai được xoay vuông góc 90 độ. Giá trị thực sự của những sản phẩm Streetwear được chứa đựng trong những điều được in trên nó – đó là các thông điệp, câu chuyện bên lề mà chỉ có những người thuộc về cộng đồng đó mới thực sự hiểu hết.
Đâu đâu cũng là Streetwear
Streetwear và Thời trang cao cấp thực sự không quá xa cách như ta vẫn luôn lầm tưởng. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của thời trang, nhiều nhà thiết kế thường sử dụng ngôn ngữ thời trang của Streetwear để thách thức quan niệm truyền thống xa xỉ và tái định nghĩa lại khái niệm về Thời trang cao cấp.
Internet đã sản sinh ra một thế hệ nhà thiết kế tay ngang đã hoàn toàn định hình lại tư tưởng về Streetwear. Các nhà thiết kế Thời trang đường phố đời đầu không hề được đào tạo chính thống, nhưng họ có niềm mong muốn thiết kế và có sự truy cập vào cả kho tàng sản phẩm văn hóa có từ trước đó.
Do vậy, họ làm điều duy nhất mà họ biết: tham chiếu những tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh hay âm nhạc. Từ đó, họ nhào nặn và kết hợp chúng để tạo nên danh tính thiết kế của riêng mình. Và cứ như vậy, Tham Chiếu Đối Chéo (Cross-referencing) được khởi nguồn từ tình yêu và niềm thôi thúc sáng tạo.
Đột phá trong vóc dáng hay chất liệu không phải là mục tiêu của các nhà thiết kế. Khả năng chọn lựa những sáng tạo có sẵn và đặt chúng qua một góc nhìn mới mới lạ hơn, độc đáo hơn để từ đó có thể chia sẻ giá trị với những người trân trọng chúng qua ngôn ngữ thời trang chính là con đường mà những nhà thiết kế hướng đến.
Mọi thứ đã thay đổi khi có sự hiện diện của Internet. Mọi người bắt đầu nói chung một “ngôn ngữ”, văn hóa Internet trở thành văn hóa đại chúng. Kiến thức hay nguồn thông tin không chỉ chảy xuôi từ những trang chính thống mà đồng thời chảy ngược lại từ chính những người tiếp nhận.
Các cá nhân và cộng đồng giờ đây đã có cho mình một nền tảng độc lập để kiến tạo nên những giá trị văn hóa riêng biệt. Trước bối cảnh đầy biến đổi ấy, sự giao thoa giữa các cá tính khác nhau là chuyện buộc phải xảy ra. Những “kiểu mẫu” truyền thống bây giờ được thay thế bởi những phiên bản pha trộn, những lằn ranh bắt đầu được xóa nhòa.
Nhận dạng Streetwear từ những điều sẵn có
Trong thời kỳ ai cũng đang tìm tòi và khám phá phong cách riêng của bản thân, triển lãm READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải tin rằng việc đào sâu một phong cách đề cao tính nguyên bản nhưng đồng thời mang theo mình hàng nghìn biến thể có thể là một trải nghiệm thú vị để mỗi người có thể tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên mà tính cá nhân – cái tôi độc lập dường như được đẩy mạnh bao giờ hết. Thế nhưng, nếu nhìn một cách tổng quát hơn, thì tính nguyên bản càng trở nên khan hiếm. Các cuộc chơi thời trang trên mạng xã hội bây giờ đã xoay quanh thuật toán, đặc biệt, khi vòng đời của một xu hướng gần như đã được rút ngắn một cách chóng mặt. Số đông bắt đầu chỉ bị thu hút bởi vẻ bề ngoài thay vì chú ý tới giá trị thực sự của từng phong cách.
Tính nguyên bản là điều đầu tiên mà mọi người nghĩ tới khi gọi tên phong cách Streetwear. Dù vậy, sự nguyên bản cũng bị hoài nghi khi Streetwear trở thành một phong cách được ưa chuộng trên toàn thế giới. Đâu được tính là “thật” và đâu bị coi là “giả” khi các biến thể khác nhau đang dần xuất hiện quá nhiều? Dẫu vậy, sự biến động và ứng biến đã luôn là bản chất của Streetwear, cho dù nó có mang hình thái gì đi chăng nữa.
Văn hóa đường phố được nhào nặn từ Readymade (những điều sẵn có). Nghệ thuật đường phố vẫn luôn đề cao tinh thần bức phá, tìm mọi cách để nói lên giá trị và thể hiện cái tôi của bản thân – đặc biệt trong một hệ thống mà họ cảm thấy không có tiếng nói rõ ràng. Chúng ta thấy điều đó với Graffiti, chúng ta thấy điều đó với Rap, và chúng ta thấy nó với cả Streetwear.
Theo thời gian, hình thái Streetwear dần thay đổi qua nhiều điểm tham chiếu khác nhau – vượt ra ngoài khuôn khổ của những cái nôi ban đầu và bắt đầu giao thoa với các nền văn hóa khác.
Cách thiết kế không gian triển lãm READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải được truyền cảm hứng bởi hai yếu tố chính: thư viện lưu trữ và vẻ đẹp thường nhật của đời sống Việt Nam. Mỗi món đồ sẽ được treo trên khung sắt như một bức tranh và những khung này có thể kéo qua kéo lại, tạo cảm giác như đang kéo thư viện lưu trữ.
Mỗi khung sắt này đồng thời cũng là lát cắt của một chiếc tủ sắt lớn. Thiết kế được lấy cảm hứng từ những chiếc tủ mộc mạc, thân quen của mọi nhà – nơi chứa đựng bao nhiêu món đồ của người Việt. Khi ghép những khung tủ vào với nhau, người tham gia sẽ thấy một bức tranh Graffiti lớn – gợi nhớ về những ký ức tuổi thơ, thời mà chúng ta hay “vẽ bậy” lên các bề mặt tủ.
Ở trung tâm của không gian là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt lấy cảm hứng từ cảnh quan đô thị Việt Nam của nghệ sĩ Đương Đại Nguyễn. Bề mặt của chiếc bàn là những bức tường được cắt trực tiếp từ các tòa nhà ở Sài Gòn. Tuy có cùng khuôn khổ xây dựng và quy hoạch rập khuôn, nhưng bề mặt của mỗi căn nhà lại có những đặc điểm riêng biệt của từng hộ gia đình. Từng ô cửa hay vật liệu của các tác phẩm đều là những sự rơi rớt từ việc thay đổi kiến trúc và lối sống của một gia đình trong giai đoạn chuyển giao thế hệ.
Những tác phẩm trên bề mặt của chiếc tủ sắt là các chữ cái được vẽ với những họa tiết và lối tạo hình riêng biệt. Những chữ cái được lấy cảm hứng từ hệ thống chữ trên từng kệ sách ở trong thư viện, đồng thời cũng là hình thái nguyên thủ và nổi bật nhất của Graffiti.
Họa tiết, tạo hình của những chữ cái này sẽ được khắc họa dựa trên các yếu tố lượm nhặt ở trong văn hóa địa phương. Vì vậy, những tác phẩm Graffiti này là sự giao thoa giữa nghệ thuật đường phố của thế giới và những bản sắc riêng biệt của Việt Nam.
Đằng sau những tác phẩm là ba người nghệ sĩ sinh sống tại Sài Gòn: VUI QÁ, Kleur và TCHI. Cả ba người đều sử dụng chất liệu chung là Graffiti để truyền tải ba thông điệp riêng ở buổi triển lãm. Nếu TCHI muốn nhắc lại cho chúng ta về sự hồn nhiên và kì diệu của tuổi thơ ấu, thì Kleur muốn bắt đầu với những cuộc hội thoại mới bằng việc “đùa nghịch” với các khuôn mẫu và luật lệ sẵn có của bộ môn Graffiti. Còn VUI QÁ lại muốn đi sâu vào sự ảnh hưởng của những ngoại cảnh “thành thị” và “yếu tố thế hệ” lên danh tính của bản thân.
Đến với triển lãm READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải, người thưởng lãm gần như được đắm chìm hoàn toàn vào với không gian văn hóa – nghệ thuật đường phố. Bởi lẽ, mỗi tác phẩm, mỗi bộ trang phục đều mang cho mình một câu chuyện riêng biệt.
Nghệ thuật đường phố không dừng lại ở Graffiti hay Breakdancing, nó đã trở thành một phong cách sống. Và Streetwear đóng vai trò như một loại hình ngôn ngữ bộc lộ, giúp cho người mặc thể hiện cá tính và cái tôi độc lập, đúng với tinh thần mà văn hóa đường phố muốn lan tỏa, truyền tải.
Triển lãm READYMADE: Một Vóc Nghìn Vải diễn ra từ ngày 10-11 cho đến hết ngày 23-11 tại không gian trưng bày Sun Life Flagship – De La Sól.
Tham khảo: BTC.