artLIVE – Mã Morse đã xuất hiện từ lâu và trở nên phổ biến trong đời sống con người. Tuy nhiên, có rất nhiều những sự thật thú vị xung quanh mã Morse mà chúng ta chưa biết. Trong bài viết này, hãy cùng artLIVE khám phá về hành trình mã Morse đã đi qua xuyên suốt hàng trăm năm lịch sử.
1. Mã Morse được phát minh cho điện báo
Năm 1800, Alessandro Volta chế tạo pin điện đầu tiên trên thế giới có khả năng tạo ra dòng điện một chiều ổn định. Sau đó, vào năm 1820, nhà vật lý người Đan Mạch Hans Christian Oersted đã phát hiện ra rằng dòng điện một chiều ấy có khả năng làm lệch hướng một chiếc kim la bàn đặt gần đó. Đây là nền tảng để hai nhà khoa học người Anh William F. Cooke và Charles Wheatstone phát triển nguyên mẫu sơ khai của máy điện báo vào năm 1837.
Ban đầu, máy điện báo chỉ có thể gửi tín hiệu xung điện qua dây dẫn nên các nhà phát minh cần tìm ra cách sử dụng chúng để liên lạc. Mã Morse được phát minh để dịch những xung điện đó sang tiếng Anh bằng cách kí hiệu chữ cái và số thông qua tín hiệu ngắn và dài.
2. Người phát minh ra mã Morse là một họa sĩ
Samuel Finley Breese Morse sinh ra ở Charlestown, bang Massachusetts (Mỹ) vào năm 1791 trong một gia đình mục sư địa phương. Dù được biết đến như cha đẻ của một trong những phát minh khoa học vĩ đại, xuất phát điểm của ông lại là một họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1810, ông chuyển đến sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Anh.
Morse có sở trường về vẽ chân dung, trong đó bức chân dung của Hầu tước de Lafayette, anh hùng Chiến tranh Cách mạng nổi tiếng đã mang lại danh tiếng cho ông. Ông từng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình tại Học viện Hoàng gia Anh vào năm 1813.
Tuy nhiên, Morse không chỉ yêu thích hội họa mà còn cảm thấy hứng thú với vật lý, đặc biệt là lĩnh vực điện và từ. Chính niềm đam mê này đã giúp ông sáng chế thành công mã Morse, tạo ra một cuộc cách mạng truyền thông toàn cầu.
3. Mã Morse được sáng tạo bởi hai người
Samuel F.B. Morse sáng tạo ra mã Morse nhờ sự giúp đỡ của người bạn kiêm trợ lý Alfred Lewis Vail. Vail phụ trách xây dựng và quản lý một số đường dây điện báo đầu tiên từ năm 1845 đến năm 1848. Ông cũng chịu trách nhiệm về một số cải tiến kỹ thuật của hệ thống Morse, đặc biệt là phím gửi, các thanh ghi ghi âm và nam châm chuyển tiếp.
Những cải tiến do Vail tạo ra đã tăng tốc đáng kể quá trình giải mã tin nhắn. Mặc dù ông mang lại những đóng góp quan trọng nhưng chỉ có tên của Morse xuất hiện trên các bằng sáng chế nên vai trò của Vail thường không được nhiều người nhớ đến.
4. Bức điện tín bằng mã Morse đầu tiên được gửi đi vào năm 1844
Để kiểm tra quá trình hoạt động của điện báo, vào ngày 24 tháng 5 năm 1844, Samuel Morse đã gửi bức điện tín đầu tiên trước mặt các quan chức chính phủ ở Washington, DC.
Bức điện được gửi cho trợ lý Alfred Vail của Morse ở Baltimore với nội dung “What hath God Wrought?” (“Hãy nhìn xem việc Thiên Chúa làm”) – một cụm từ trong Kinh thánh. Câu nói này được gợi ý bởi Annie – con gái của Henry Leavitt Ellsworth, một người bạn thân của Morse và cũng là Ủy viên Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ lúc bấy giờ.
Hiện nay, bức điện báo này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Viện Smithsonian ở Washington DC (Mỹ).
5. Tín hiệu cấp cứu SOS được tạo ra từ mã Morse
Đầu những năm 1900, điện báo không dây được triển khai trên đường biển. Với tình hình lưu lượng giao thông trên biển ngày càng tăng, việc cần phải có tín hiệu cấp cứu quốc tế để hỗ trợ cứu hộ tàu lại càng trở nên cấp thiết.
Vì mã Morse được sử dụng rộng rãi nên người ta quyết định sử dụng những ký tự phổ biến trong mã Morse là “· · · – – – · · ·” lần lượt tượng trưng cho 3 chữ cái S,O,S nhằm thể hiện tín hiệu nguy hiểm và cầu cứu khẩn cấp. Cũng từ đây, nếu bạn có một chiếc đèn pin, bạn có thể phát tín hiệu cầu cứu bằng một đoạn mã hóa gồm: ba lần nháy đèn ngắn, ba lần dài và tiếp đến là ba lần ngắn để mô phỏng mã Morse.
Tín hiệu này được thông qua bởi Chính phủ Đức vào ngày 1 tháng 4 năm 1905 và trở thành tiêu chuẩn quốc tế theo Công ước Radiotelegraph vào ngày 1 tháng 7 năm 1908.
6. Mã Morse đã đẩy Pony Express vào cảnh phá sản
Ngựa con tốc hành (Pony Express) là công ty chuyển phát nhanh lẫy lừng, từng được biết đến như niềm tự hào của nước Mỹ. Khả năng tổ chức của William Russell – cha đẻ của Pony Express và sự xuất sắc của các kỵ mã đã giúp công ty này có thể chuyên chở những lá thư khắp các vùng của nước Mỹ trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Tuy nhiên, Pony Express lại sớm thất bại khi những đường dây điện tín nối liền hai bờ Đông – Tây nước Mỹ ra đời. Giờ đây, người dân có thể gửi và nhận tin nhắn chỉ trong vòng vài phút. The Pony Express nhanh chóng phải đóng cửa vào năm 1861, chỉ sau vỏn vẹn một năm hoạt động.
7. Bạn có thể giao tiếp bằng mã Morse thông qua việc nháy mắt
Mã Morse có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bật và tắt đèn pin, nhấp nháy SOS. Thậm chí, nếu rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, bạn hoàn toàn có thể nháy mắt để ra tín hiệu Morse.
Người ta có thể nhắm mắt trong một giây để biểu thị cho dấu “. ” (dấu chấm) và nhắm mắt trong hai giây để biểu thị dấu “-” (dấu gạch ngang). Cách thức kỳ lạ này từng được phổ biến trong chiến tranh khi các binh lính rơi vào tình huống ngặt nghèo.
8. Mã Morse từng được gửi qua đường dây điện trên biển
Ngày 16/8/1858, hai nước Anh và Mỹ đã kéo một sợi cáp điện báo bằng đồng dài 2.000 dặm qua Đại Tây Dương. Trong tin nhắn đầu tiên được gửi, Nữ hoàng Victoria chúc mừng Tổng thống James Buchanan về sự thành công chung giữa hai nước trong việc xây dựng chính tuyến cáp mà bà đang dùng để nói chuyện với ông.
Sau nhiều lần thử nghiệm, sợi cáp đó vẫn bị đứt và phải thay thế bằng sợi cáp khỏe hơn. Cuối cùng, sau nhiều năm thử nghiệm, điện báo không dây ra đời và loại bỏ nhu cầu sử dụng điện báo có dây.
9. Mã Morse gốc không còn được sử dụng nữa
Phiên bản đầu tiên của mã Morse được phát triển tại Mỹ, sau đó được giới thiệu ở châu Âu. Tuy nhiên, tại đây, nó cho thấy sự thiếu sót của mình khi không thể biểu thị được các chữ cái có dấu trong những ngôn ngữ không phải tiếng Anh.
Chính vì thế, một nhóm các quốc gia châu Âu quyết định tạo ra phiên bản mã Morse thay thế, với tên gọi là mã Morse quốc tế vào năm 1851. Từ đây, người dùng khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng sử dụng Morse.
Phiên bản tiếng Nhật, mã Wabun hoặc SKATS, mã Morse của Hàn Quốc, đều là ví dụ về mã Morse quốc tế sử dụng bảng chữ cái Latinh. Tất cả chúng vẫn đang được học và sử dụng cho đến ngày nay.
10. Mã Morse đóng vai trò quan trọng trong Thế chiến thứ hai
Khi bóng tối của Thế chiến thứ hai bao trùm toàn cầu, nhu cầu tìm kiếm các phương tiện liên lạc kín đáo gia tăng. Lúc này, mã Morse nổi lên như một công cụ yêu thích của lực lượng đồng minh. Nó phổ biến từ những khu trại hẻo lánh đến ngoài khơi xa.
Ngoài ứng dụng trong việc truyền tin, mã Morse còn đóng vai trò then chốt trong công tác gián điệp. Các đặc vụ hoạt động sâu trong khu vực bị chiếm đóng thường truyền tải thông tin bằng phương tiện bảo mật này. Ví dụ, Cục tác chiến đặc biệt (SOE) của Anh đã đào tạo chuyên sâu cho các đặc vụ của mình về Morse, đảm bảo trang bị đầy đủ cho họ kỹ năng gửi tín hiệu bí mật từ chiến tuyến của kẻ thù.
Bên cạnh đó, mã Morse còn được ứng dụng vào việc giải mã các thông điệp của “Enigma” – một loại máy có hệ thống đĩa quay dùng để tạo mật mã và giải mã các thông tin cơ mật, do Đức chế tạo. Alan Turing và những người cộng sự của mình tại Bletchley Park đã thành công phá bỏ mã Enigma, góp phần làm nên chiến thắng cho quân Đồng minh.
Tham khảo:
the-daily-dabble.com
historyoasis.com
baotanglichsu.vn