artLIVE – Thiên nhiên xung quanh luôn ẩn chứa những bí ẩn khó giải đáp. Những hiện tượng thiên nhiên độc đáo lại tạo nên những cảnh quan vô cùng lộng lẫy, thu hút sự quan tâm và yêu thích của nhiều du khách.
Mẹ Thiên Nhiên vẫn luôn chứa đựng những điều bí ẩn trong cuộc sống xung quanh ta. Những hiện tượng thiên nhiên đôi khi có thể giải thích được bằng các lý thuyết khoa học, tuy nhiên, một số hiện tượng vẫn còn gây tranh cãi và trở thành những điều bí ẩn đầy thú vị. Trải dài khắp nơi trên thế giới, những cảnh quan tuyệt vời đều mang trong mình các điều kỳ thú, khơi gợi nên sự quan tâm và yêu thích của du khách.
Hồ bóng khí metan Abraham, Canada
Khu vực Alberta, Canada có nhiều vùng nước được bao quanh bởi không gian núi Rocky đẹp đến ngỡ ngàng. Một số đoạn nước xảy ra một hiện tượng lạ khi nhiệt độ hạ xuống dưới 0 độ C – những bong bóng khí metan sủi bọt dưới lớp băng dày.
Những bong bóng lớn màu trắng được tạo ra trong hồ khi vi khuẩn sống trong nước ăn các chất hữu cơ đang phân hủy và thải ra khí metan. Khi nhiệt độ hạ xuống khiến nước đóng băng, các bong bóng sẽ lơ lửng bên dưới bề mặt.
Đến mùa xuân, nhiệt độ tăng lên, băng dần tan, các bong bóng giải phóng một lượng khí metan vào không khí. Là một loại khí nhà kính, các phân tử metan mạnh hơn tới 30 lần so với carbon dioxide. Khi ở trong khí quyển, khí metan góp phần vào việc nóng lên toàn cầu bằng cách thu giữ và giữ nhiệt.
Mỗi ngày, nhiệt độ của trái đất đang dần tăng lên khiến cho tốc độ tan của băng vĩnh cửu và nâng cao khả năng giải phóng các bóng khí metan này vào khí quyển.
Sailing Stones – Những tảng đá tự di chuyển, Hoa Kỳ
Tại Công viên Quốc gia Thung lũng Chết ở California, Hoa Kỳ, du khách dễ dàng nhìn thấy được những tảng đá tự mình di chuyển trên lòng hồ khô Racetrack Playa. Nhiều người đặt ra câu hỏi: làm thế nào mà nhiều tảng đá nặng đến cả hàng trăm kilogram lại có thể di chuyển xa tới 250 mét?
Những đường di chuyển cũng vô cùng đa dạng, một số đi theo đường thẳng hoặc uốn lượn thành những đường cong một cách duyên dáng. Nhiều lý thuyết đã được đặt ra trước hiện tượng kỳ lạ này: từ nguyên nhân từ trường trái đất cho đến… người ngoài hành tinh.
Cho đến năm 2006, nhà khoa học của NASA – Ralph Lorenz đã phát triển một mô hình thử nghiệm và khám phá ra nguyên lý hoạt động. Vào mùa đông, lòng hồ Playa ngập trong nước khiến cho những tảng đá được bao phủ bởi lớp băng.
Khi nhiệt độ tăng lên, sự tan chảy khiến băng vỡ thành những tấm lớn nổi, bị gió nhẹ đẩy vào đá để di chuyển chúng. Tất nhiên, điều này sẽ để lại dấu vết ở lòng hồ. Những tảng đá này chỉ di chuyển hai hoặc ba năm một lần và hầu như những vết tích ấy sẽ tồn tại trong ba đến bốn năm.
Hồ xanh lam Kawah Ijen, Indonesia
Ở miệng núi lửa Kawah Ijen trên đảo Java, Indonesia mang một màu ngọc lam tuyệt đẹp. Màu sắc này được hình thành dựa trên mức độ lưu huỳnh, tạo nên những viên đá citrine và luồng khí trắng khiến khung cảnh trở nên tráng lệ hơn bao giờ hết.
Ijen Carter là một trong những hồ miệng núi lửa nằm trên đỉnh núi Ijen ở độ cao 2.386 mét so với mực nước biển với độ sâu lên tới 200 mét và chiều rộng lên tới 5.466 ha. Miệng núi lửa Ijen cũng là miệng núi lửa có độ axit lớn nhất thế giới với độ axit gần bằng 0, thậm chí có thể làm tan chảy cơ thể con người. Nguyên nhân gây ra tính axit của nó là do dòng nước thủy nhiệt chứa khí từ buồng magma nóng bên dưới tràn vào.
Núi lửa Kawah Ijen của Indonesia, trên đảo Đông Java, có hai hiện tượng bất thường nhất trên trái đất. Đầu tiên là một solfatara hoạt động phát ra khí lưu huỳnh nóng, dễ cháy. Những thứ này bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển giàu oxy của trái đất sẽ bốc cháy với ngọn lửa điện màu xanh lam.
Ngọn lửa khó nhìn thấy vào ban ngày nhưng lại chiếu sáng cảnh quan vào ban đêm. Sự xuất hiện thứ hai là một hồ miệng núi lửa chứa đầy nước màu xanh ngọc lam. Màu của nước là kết quả của tính axit cực cao và nồng độ kim loại hòa tan cao.
Hồ hồng Hillier, Úc
Hồ Hillier ở Úc trở nên nổi tiếng bởi màu sắc hồng độc đáo của chính nó. Đây là một hồ nước dài 600 mét, tọa lạc ở rìa đảo Middle thuộc quần đảo Recherche ngoài khơi bờ biển phía nam Tây Úc. Được bao quanh bởi một vòng cát mỏng và một khu rừng cây giấy, bạch đàn rộng lớn, hồ nước Hillier tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp.
Màu nước của hồ trở thành một chủ đề khiến các nhà khoa học đau đầu. Phần lớn các chuyên gia đều nghi ngờ nó có liên quan đến sự hiện diện của vi tảo Dunaliella salina. Dunaliella sản xuất carotenoid, một sắc tố có trong cà rốt. Bên cạnh đó, họ cho rằng phản ứng giữa muối và natri bicarbonate có trong nước cũng có thể gây ra hiện tượng này.
Màu hồng của hồ Hillier phản chiếu kém hơn khi nhìn từ bề mặt nhưng lại rất nổi bật khi nhìn từ trên cao. Tuy nhiên, không giống như những hồ màu hồng khác trên thế giới, nước ở đây vẫn có màu hồng đặc trưng ngay cả khi được lấy ra khỏi hồ.
Fairy Circles – Vòng tròn thần tiên, Namibia
Trên khắp vùng đồng cỏ khô cằn của sa mạc Namib, Nam Phi xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ: hàng triệu mảng đất hình tròn không có dấu hiệu sống của thực vật, có đường kính từ 2 mét đến 15 mét, được sắp xếp theo kết cấu tổ ong trên diện tích 2.500 kilomet vuông. Những hình tròn kỳ lạ này được gọi là “Vòng tròn thần tiên”.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do đất bị nhiễm phóng xạ hoặc do chất độc thải ra từ thực vật đã giết chết thảm thực vật theo hình tròn. Một số lý thuyết khác cho rằng việc này do sự hoạt động của loài mối cát. Để tích trữ nước, chúng đào đất theo hình tròn và tiêu thụ rễ cây thực vật.
Một giả thuyết khác cho rằng các vòng tròn là sự cạnh tranh về tài nguyên. Ở những nơi có cảnh quan khắc nghiệt, thực vật cạnh tranh nước và chất dinh dưỡng. Khi những cây yếu hơn chết đi và những cây khỏe hơn phát triển, thảm thực vật “tự tổ chức” thành những mô hình khác thường.
Tham khảo
bbc.com
cbc.ca
naturecanada.ca
earthsky.org
hillierlake.com