artLIVE – Nhà thờ Ka Đơn không chỉ là một kiệt tác về kiến trúc, mà còn là công trình mang tính nhân văn cao cả, làm nổi bật lên nét văn hoá của người Chu Ru.
Toạ lạc ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 45km về phía nam, nhà thờ Ka Đơn nằm giữa một quần thể thiên nhiên trù phú dưới những tán thông xanh tươi rợp mát. Công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh nhà ở truyền thống của người Chu Ru sống tại khu vực này.
Kiến trúc nhà thờ Ka Đơn dựa trên ý tưởng chủ đạo của linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc, người đã gắn bó với giáo xứ trong suốt hơn 50 năm (từ năm 1972), là một công trình đơn sơ, mộc mạc, trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên, khiêm nhường, hài hoà nhưng làm nổi bật lên nét văn hoá của người Chu Ru.
Vào năm 2008, một bản thiết kế ngôi nhà thờ Ka Đơn của hai sinh viên Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng (ĐH Kỹ thuật Berlin, Đức) làm luận văn thạc sĩ đã được hình thành. Trên bản vẽ là một ngôi nhà thờ mang nét văn hóa Chu Ru – K’Ho, cùng với việc giữ gìn văn hóa Chu Ru, nâng đỡ người nghèo tại vùng đất… Luận văn này đã nhận được giải thưởng châu Âu kiến trúc thánh vào năm 2011 tại Ý và đánh động đến nhiều cộng đoàn, giáo dân. Từ đó, bản vẽ luận văn đã được hiện thực hóa thành nhà thờ Ka Đơn hiện nay với phần hỗ trợ tài chính từ quỹ truyền giáo quốc tế Missio Aachen (Đức), Tổng giáo phận Berlin (Đức) và các ân nhân trong, ngoài giáo xứ. Khi nhà thờ hoàn thiện vào năm 2014, công trình tiếp tục nhận được giải nhì cuộc thi Kiến trúc thánh quốc tế (2016).
Đây không chỉ là một kiệt tác về kiến trúc, độc đáo trong việc sử dụng vật liệu, mà còn là công trình mang tính nhân văn cao cả, bởi con đường chính vào khuôn viên nhà thờ, sân trong và lối đi vào bên trong lễ đường không có hàng rào hay gờ chắn. Vật liệu chính của nhà thờ là gỗ thông tại địa phương; tất cả phù điêu, bình đựng nước thánh… bên trong nhà thờ cũng đều bằng gốm địa phương kết hợp những mảnh gỗ của nhà nguyện thuở đầu với mục tiêu giữ gìn lịch sử truyền giáo ở Ka Đơn.
Kiến trúc không cao và không có chóp nhọn như các công trình tôn giáo khác, nhà thờ Ka Đơn gợi nhớ không gian, kết cấu nếp nhà truyền thống của các dân tộc sinh sống trên dải đất phía nam sông Đa Nhim. Phía sau là tháp chuông đơn sơ, cao vừa đủ để không bị che khuất và không ảnh hưởng đến không gian cũng như cảnh quan chung của nhà thờ.
Nhà thờ lợp ngói đỏ, tường và vách ngăn sử dụng cột thép và các nan gỗ dài dán trên kính. Mái nhà thờ phủ thấp dài như muốn mỗi người khiêm nhường chuẩn bị tâm hồn trước khi bước vào nhà Chúa.
Nhà thờ Ka Đơn chính là biểu tượng của việc giữ gìn văn hóa người Chu Ru, để rồi từ nơi này, bất cứ ai đến tham dự thánh lễ dù đứng bên trong hay bên ngoài nhà thờ cũng đều cảm nhận được bầu không khí cầu nguyện chung.