artLIVE – Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art) là một loại hình nghệ thuật thị giác đương đại và độc đáo mang những ý nghĩa đa dạng về quy mô, ý tưởng và kể cả chất liệu.
Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art) là một thể loại nghệ thuật với các tác phẩm ba chiều được xây dựng trong không gian triển lãm như bảo tàng và phòng trưng bày hay các địa điểm công cộng và riêng tư. Chúng có thể kích hoạt các giác quan, giúp bạn trải nghiệm nghệ thuật theo một cách khác biệt; xúc giác, thính giác, khứu giác hay thị giác đều được khám phá.
Các tác phẩm được thiết kế để người xem thay đổi nhận thức về một không gian và có thể bao gồm rất nhiều loại vật liệu được kết hợp với nhau mang lại sự tự do sáng tạo hoàn toàn mới mẻ.
Nguồn gốc và sự phát triển
Loại hình nghệ thuật này có thể bắt nguồn từ nhiều nghệ sĩ hay các phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng nguồn gốc và cội nguồn của Nghệ thuật Sắp đặt thường gắn liền với Nghệ thuật Ý niệm (Conceptual Art) bởi Marcel Duchamp vào khoảng năm 1913 đến 1960. Ông là người đầu tiên nhận ra rằng, tất cả các vật “làm sẵn” phi nghệ thuật tự thân nó có thể được trưng bày như một tác phẩm “nghệ thuật” nếu nó được tách ra khỏi bối cảnh, công dụng và cả ý nghĩa nguyên thủy của chính bản thân.
Những ảnh hưởng của Duchamp được xem là mở đường cho sự phát triển của Nghệ thuật Sắp đặt như triển lãm tiên phong Dada cùng các tác phẩm phong phú lấp đầy các căn phòng và thậm chí là một số tác phẩm của John Cage – một trong những nhân vật dẫn đầu phong trào tiên phong (avant-garde) thời hậu chiến.
Trước khi có tên Nghệ thuật Sắp đặt vào năm 1958, thuật ngữ “môi trường” được nghệ sĩ người Mỹ – Allan Kaprow sử dụng để mô tả các tác phẩm của ông là một căn phòng và sự tham gia của người xem trong tác phẩm. Cho đến năm 1970, thuật ngữ “sắp đặt” bắt đầu được sử dụng để mô tả các phẩm liên quan đến trải nghiệm hoàn toàn bằng các giác quan hoặc lắp đầy toàn bộ căn phòng trưng bày và để lại không gian cũng như thời gian là giá trị bất biến duy nhất.
Theo thời gian cùng với sự phát triển của các công nghệ hiện đại, Nghệ thuật Sắp đặt cũng đã đa dạng hơn từ video, âm thanh, thực tế ảo hay internet và cả biểu diễn cũng được ứng dụng. Các tác phẩm nghệ thuật tại từng địa điểm được thiết kế để trở thành một phần của môi trường xung quanh với vị trí cụ thể tại nơi chúng được sinh ra. Ngoài ra, các tác phẩm khác có thể được di chuyển và trình bày tại các địa điểm khác nhau khiến chúng hấp dẫn các giác quan của người xem cũng như đan xen ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Điều gì khiến Nghệ thuật Sắp đặt trở nên “độc nhất”?
Dù Nghệ thuật Sắp đặt không phải khái niệm duy nhất tập trung vào các ý tưởng và vị niệm như Nghệ thuật Ý niệm, phim ảnh, tranh vẽ hay điêu khắc nhưng điều khiến nó khác biệt là ở cách thu hút người xem. Thông qua việc gọi người xem tác phẩm sắp đặt là “nhân vật chính” (Protagonist) của nghệ sĩ Olafur Eliasson đã thể hiện quan điểm này một cách xuất sắc khi phụ thuộc vào sự tham gia của người xem. Một trong những tác phẩm điển hình nhất về điều này của Eliasson đó là “Beauty” (1993).
Với tác phẩm “Beauty” của mình, Eliasson đã tạo ra cầu vồng từ sương mù của nước và ánh sáng, đồng thời cầu vồng này còn phụ thuộc vào góc nhìn của người xem và vị trí của họ trong phòng. Ông đã đi xa hơn khi gọi người xem tác phẩm của mình là “người tham gia”.
Ngoài ra, Nghệ thuật Sắp đặt là một trong những loại hình nghệ thuật mang tính trải nghiệm nhất đòi hỏi người xem phải tham gia một cách tích cực để có thể hiểu được thông điệp của tác phẩm. Nó sử dụng không gian như một thực thể quan trọng từ đó người xem có thể vừa là chủ thể vừa là khách thể của tác phẩm và bị cuốn hút cùng với tác phẩm đó.
Nghệ thuật Sắp đặt khơi gợi trí tò mò của công chúng qua không gian được trình bày bên trong không gian sắp đặt, giúp người xem vẫn cảm thấy mình trong không gian nghệ thuật dù đang chiêm ngưỡng tác phẩm Sắp đặt từ bụi bặm hay giẻ rách.
Thêm vào đó điều làm Nghệ thuật Sắp đặt trở nên đặc biệt hơn khi tác phẩm sắp đặt và địa điểm đòi hỏi phải có mối liên hệ và tính tổng thể. Địa điểm trưng bày và tác phẩm sáng tạo là hai thứ không thể tách rời, việc di chuyển tác phẩm khỏi địa điểm trưng bày về cơ bản sẽ phá hỏng tác phẩm vì chúng còn liên quan đến tỷ lệ, ánh sáng hoặc hình ảnh.
Đặc điểm riêng biệt của Nghệ thuật Sắp đặt
Đối với người xem, Nghệ thuật Sắp đặt có thể tồn tại ở nhiều dạng vật lý khác nhau, tuy nhiên các tác phẩm 3D được tạo ra với mục đích thay đổi nhận thức của người thưởng thức về không gian và thúc đẩy họ xem xét các yếu tố cũng như chủ đề một cách sâu rộng. Vì vậy, Nghệ thuật Sắp đặt có bốn đặc điểm đặc trưng:
Không thể sưu tập
Không giống như một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc, khách hàng thường không có khả năng mua tác phẩm Sắp đặt để trưng bày tại nhà vì quy mô, phạm vi cũng như tính độc đáo và ý nghĩa của độc đáo.
Quy mô lớn
Các tác phẩm Sắp đặt thường được tạo ra để dành riêng cho một địa điểm đặc trưng như không gian bảo tàng, nhà kho hay không gian trưng bày và nơi công cộng.
Tính tạm thời
Hầu hết các tác phẩm Sắp đặt được tạo ra tạm thời với thời gian là vài tháng tháng hoặc vài năm. Hiện nay, có một xu hướng hiện đại mới trong giới nghệ thuật là tổ chức các buổi biểu diễn chuyển động, trong đó các nghệ sĩ sẽ dàn dựng rồi tháo rời một số sản phẩm trong phòng trưng bày hoặc bảo tàng trong vài năm.
Đa giác quan
Các tác phẩm mời gọi người xem trở thành một phần của không gian trưng bày tác phẩm bằng cách tạo ra không gian toàn diện mà người xem có thể bước vào hoặc sử dụng ánh sáng, âm thanh hoặc mùi vị để tạo ra môi trường nghệ thuật hoàn chỉnh.
Sự đa dạng của Nghệ thuật Sắp đặt
Hiện nay, Nghệ thuật Sắp đặt được chia làm hai loại khác nhau trên toàn thế giới:
- Loại đầu tiên, người họa sĩ sắp đặt tạo ra những vật thể lớn từ bộ sưu tập những vật thể “làm sẵn”.
- Loại thứ hai, không gian sắp đặt được biến đổi hoàn toàn khi Nghệ thuật Sắp đặt không sử dụng cũng như không được xem là không sử dụng các vật thể như một chủ thể của tác phẩm. Tất cả giới hạn của không gian được tái tạo lại giúp gây ấn tượng một cách lạ kỳ với người thưởng thức.
Đúng theo nghĩa đen – Nghệ thuật Sắp đặt có thể có ở bất kỳ đâu từ bảo tàng, phòng trưng bày, không gian trưng bày hay tới các nơi công cộng như lối đi, sân chơi, đường phố hoặc các tòa nhà. Các tác phẩm Sắp đặt thường nổi bật và dễ dàng thu hút ánh nhìn khi mọi người nghe, nhìn hay cảm nhận được nó, tuy nhiên trong vài trường hợp cũng rất khó để phân biệt rằng bản thân đang thưởng thức một tác phẩm sắp đặt hay đơn giản chỉ là một khung cảnh vô tình từ cuộc sống đời thường.
Ngoài ra còn có Sắp đặt tương tác – một danh mục phụ của Nghệ thuật Sắp đặt, về cơ bản điều này đòi hỏi người xem tương tác với tác phẩm để tạo một cuộc đối thoại giữa nghệ thuật và người xem. Cái đẹp của Nghệ thuật Sắp đặt nằm ở sự đa dạng của vật liệu, phương tiện và không gian khác nhau được sử dụng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa.
Nguồn tham khảo:
masterclass.com
widewalls.com
mythuatms.com
studiobinder.com