Ngạc nhiên với 6 môn thể thao dưới nước độc đáo

Diệu Linh

|

13:41 05/02/2024

Share

artLIVE – Bài viết này sẽ khiến bạn ngạc nhiên với 6 môn thể thao dưới nước độc đáo mà ít người nghĩ tới như SUP Yoga, bay trên mặt nước, bóng bầu dục, khúc côn cầu, đấu vật hay Zorb. Điều đặc biệt là những bộ môn này đều diễn ra dưới nước khiến ta không khỏi ngạc nhiên.

SUP Yoga

Những người yêu thích bộ môn Yoga có thể khám phá một khía cạnh mới mẻ của việc luyện tập bằng cách trải nghiệm SUP Yoga. SUP yoga (còn gọi là yoga nổi) là động tác tập yoga trên ván chèo đứng khi ở trên vùng nước lặng như hồ, sông, vịnh,… 

Vì yoga và chèo SUP đều ra đời từ thời xa xưa nên rất khó xác định lịch sử của bộ môn kết hợp thú vị này. Tuy nhiên, Huấn luyện viên yoga Thụy Điển Rachel Brathen được cho là người tiên phong trong việc tập SUP Yoga. 

the_thao_duoi_nuoc
Yoga trên thuyền SUP là một bộ môn tốt cho sức khỏe. Ảnh: pumpedupsup.com.

Bộ môn này mang lại cho người tham gia lợi ích sức khỏe quý báu về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Không chỉ giúp ổn định các cơ trong cơ thể, rèn luyện sự nhanh nhẹn cũng như linh hoạt của cơ thể mà nó còn trở thành một phương pháp trị liệu cảm xúc, thúc đẩy sự kết nối mạnh mẽ với phần bên trong của mỗi người.

Bay trên mặt nước

Nếu bạn từng mơ ước vừa được lướt trên mặt nước vừa bay lên không trung, chắc chắn bay trên mặt nước (Flyboard) là một bộ môn vô cùng lý tưởng dành cho bạn. Flyboard cho phép người chơi được lướt trên không trung bằng cách tận dụng sức đẩy của nước.

Người chơi sẽ sử dụng thiết bị bay cá nhân Flyboard, được thiết kế bởi nhà phát minh người Pháp Franky Zapata. Flyboard sẽ sử dụng động cơ phản lực hút nước qua chiếc ống dài phía dưới, sau đó đẩy ra với một áp suất lớn. Lực đẩy này sẽ khiến thiết bị bay cao hơn 9 mét so với mặt nước và kéo theo cả người đang đứng phía trên.

the_thao_duoi_nuoc
Bay trên mặt nước? Chuyện không tưởng nhưng lại có thật! Ảnh: wired.co.uk.

Như một sự kết hợp giữa motor nước, lướt ván, lặn và nhào lộn, bộ môn này là sự lựa chọn không thể bỏ lỡ đối với bất cứ tín đồ yêu thích thể thao mạo hiểm nào đang tìm kiếm sự kích thích, mới mẻ.

Bóng bầu dục dưới nước

Năm 1961, Ludwig von Bersuda – một thành viên của câu lạc bộ thể thao dưới nước tại Köln (Cologne, Đức) đã phát minh ra bóng bầu dục dưới nước. Đây là môn thể thao thú vị và năng động kết hợp giữa các yếu tố bóng bầu dục, bơi lội và nhào lộn dưới nước. 

Trận đấu sẽ diễn ra tại một hồ bơi hình chữ nhật có chiều dài 12 – 18 mét, chiều rộng 8 – 12 mét và sâu từ 3,5 – 5 mét. Ở mỗi đầu của hồ có một chiếc giỏ bằng thép không gỉ được gắn để làm rổ. Mỗi đội chơi bóng bầu dục dưới nước gồm 3 thành viên sẽ tìm cách lấy quả bóng cao su và ghi bàn vào rổ của đối phương. 

the_thao_duoi_nuoc
Bóng bầu dục dưới nước là một trò chơi thú vị. Ảnh: breier-sports.com/

Không chỉ kết hợp giữa kỹ năng bơi lội và lặn, những người chơi còn phải khéo léo sắp xếp chiến thuật và phối hợp bằng tinh thần đồng đội. Một trận đấu bóng bầu dục dưới nước sẽ diễn ra với nhịp độ vô cùng nhanh, tạo ra một bộ môn thể thao thú vị và độc đáo khiến các vận động viên cũng như khán giả không thể ngồi yên.

Khúc côn cầu dưới nước

Vào những năm 1950, Hải quân Anh đã phát minh ra môn khúc côn cầu dưới nước để giữ cho các thợ lặn của mình khỏe mạnh cũng như cải thiện khả năng di chuyển dưới nước, giúp tăng cường hiệu quả công việc của họ. Trò chơi này nhanh chóng phổ biến tại nhiều quốc gia và trở thành một bộ môn thể thao năng động được yêu thích.

Khúc côn cầu dưới nước được thi đấu trong hồ bơi có kích thước 25 x 15 mét, sâu từ 2 – 4 mét. Mỗi đội thi đấu tham gia trò chơi bao gồm 12 thành viên. Các cầu thủ đeo vây lớn, mặt nạ lặn, ống thở và găng tay cao su dày để bảo vệ bàn tay khỏi đáy hồ bơi. 

Về cơ bản, khúc côn cầu dưới nước tuân theo những quy tắc cơ bản giống như khúc côn cầu trên băng truyền thống, ngoại trừ việc người chơi phải di chuyển quả bóng dọc theo đáy bể bơi bằng gậy khúc côn cầu.

the_thao_duoi_nuoc
Khúc côn cầu dưới nước có thể lệ giống với truyền thống. Ảnh: wsj.com

Đấu vật dưới nước

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hóa ra đấu vật dưới nước thực sự là một bộ môn thể thao quen thuộc với nhiều người. Bộ môn này còn được gọi là “Aquathlon”  (trong đó ‘Aqua’ dùng để chỉ nước và ‘Athlon’ có nghĩa là bất kỳ trận chiến hoặc trận đấu vật nào). 

Môn đấu vật dưới nước xuất hiện vào khoảng năm 1980 – 1982 bởi huấn luyện viên thể thao dưới nước Igor Ostrovsky tại Viện Công nghệ Moscow (Nga). Sau khi chính thức được trình diễn trước công chúng Nga vào năm 1982, cuộc thi quy mô quốc tế đầu tiên của bộ môn này được tổ chức vào năm 1993. 

Khi tham gia bộ môn này, hai vận động viên đấu vật sẽ mặc trang phục lặn biển chuyên nghiệp gồm mặt nạ, vây,… Đặc biệt, họ sẽ đeo một sợi dây ruy băng quanh mắt cá chân. Các đô vật sẽ giành chiến thắng khi tháo được dải ruy băng ra khỏi mắt cá chân của đối thủ.

the_thao_duoi_nuoc
Người chơi cố gắng giành lấy dải ruy băng đỏ ở chân đối thủ. Ảnh: globaltimes.cn

Zorbing trên nước

Zorbing là một hoạt động thể thao vui nhộn với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Người chơi sẽ chui vào một quả bóng trong suốt có kích thước lớn, thường được làm từ nhựa TPV hoặc TPU. 

Người tham gia sau khi đã vào được bên trong có thể thỏa thích lăn lộn để tiến về phía trước mà không lo bị ướt. Bạn có thể liên tưởng đến hoạt động của những chú hamster khi cố gắng chạy trong những chiếc bánh xe xoay tròn. Trò chơi này có thể diễn ra ở bến du thuyền, hồ bơi, công viên giải trí,…

Năm 2016, Lindsey Russell – người dẫn chương trình truyền hình người Anh, đã thực hiện một cuộc phiêu lưu vô cùng độc đáo này bằng quả cầu zorb. Cô quyết định chui vào một quả cầu khổng lồ để vượt biển Ireland nhằm ủng hộ cho Sport Relief – một trong những sự kiện gây quỹ lớn nhất nước Anh giúp tài trợ cho giáo dục trẻ em, vắc xin, v.v.. Tuy không thể hoàn thành được toàn bộ kế hoạch nhưng quãng đường 17 hải lý Lindsey Russell đi qua đã khiến công chúng vô cùng ấn tượng.

the_thao_duoi_nuoc
Lindsey Russell di chuyển trên mặt nước bên trong một quả cầu trong suốt. Ảnh: BBC.

Tham khảo:

Dulich.laodong.vn

Uwra.org.au

Sportsmatik.com

Redbookmag.com

Archives.cmas.org

usatoday.com