artLIVE – Đồng dao là một thể loại văn học dân gian, thường được nhiều nhạc sĩ chọn lựa để phổ nhạc. Những bài hát này đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều bạn nhỏ.
Những bài hát quen thuộc, đồng hành cùng với hành trình tuổi thơ của các bạn nhỏ như “Tập tầm vông”, “Bắc kim thang”, “Dung dăng dung dẻ”… vốn được bắt nguồn từ đồng dao.
Đồng dao – một tiểu loại của ca dao, dân ca Việt Nam
Ca dao là thơ ca dân gian được tồn tại ở dạng lời thơ hay điệu hát, có mối liên hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Người lao động xem ca dao, dân ca như một phương tiện chính để biểu đạt những tâm tư, tình cảm riêng biệt.
Ca dao, dân ca có thể phân loại thanh ba nhóm lớn như ca dao nghi lễ, ca dao lao động và ca dao sinh hoạt. Về ca dao sinh hoạt được chia thành hai bộ phận: ca dao sinh hoạt gia đình và ca dao sinh hoạt cộng đồng.
Đồng dao được xem như một tiểu loại nhỏ trong thể loại ca dao sinh hoạt cộng đồng, là những câu hát truyền miệng, thường do trẻ em hát lúc vui chơi.
Đồng dao thể hiện rõ nét tính chất nguyên hợp về mặt chức năng của văn học dân gian, nghĩa là sự kết hợp ở nhiều phương diện nghệ thuật được thể hiện từ nội dung cho đến hình thức của thể loại.
Lời ca của đồng dao gắn bó một cách hài hoà, chặt chẽ với âm nhạc, trò chơi, thể hiện tính chất hồn nhiên chất phác, phù hợp với nhu cầu và tâm sinh lý của trẻ nhỏ.
Ý nghĩa đồng dao trong đời sống trẻ em
Đồng dao vẫn thường gắn bó mật thiết với sinh hoạt vui chơi của trẻ em. Người ta dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của đồng dao trong các trò chơi “chuyền thẻ” như “Nu na nu nống”, “Thả đia ba ba”, “Rồng rắn lên mây”, “Dung dăng dung dẻ”…
Đồng dao xuất hiện nhiều trong cuộc sống trẻ em nông thôn, gắn bó với lao động như những bài ca gọi nghé của trẻ chăn trâu, hay những bài hát ru em:
“Nghé ơ
Nghé bầu nghé bạn
Nghé cày ruộng cạn Mẹ cày ao sâu”.
Bộ phận đồng dao đáp ứng với nhu cầu hiểu biết, phát triển từ trí tuệ cho đến tâm hồn của trẻ thơ chiếm một số lượng khá lớn. Những tác phẩm đóng vai trò to lớn trong việc phát triển tư duy cũng như khả năng ngôn ngữ của trẻ, giúp các bạn nhỏ nhận biết đặc điểm sơ đẳng nhất về sự việc xung quanh. Đặc biệt, đồng dao thường hay xuất hiện trong các trò chơi dân gian của trẻ em.
Các bài đồng dao thường có thể thơ ba chữ, bốn chữ, ngắn gọn và có vần điệu. Đặc điểm này giúp cho các em nhỏ dễ ghi nhớ, dễ học thuộc. Ngôn ngữ được sử dụng cũng vô cùng mộc mạc đơn giản, ít sử dụng các biện pháp ẩn dụ hay tượng trưng khó hiểu.
Đặc biệt, đồng dao thường có kết cấu vòng tròn khép kín để trẻ em có thể kéo dài trò chơi theo nhu cầu.
Những bài hát đồng dao gắn liền với tuổi thơ
Đồng dao “Bắc kim thang”
Bài đồng dao “Bắc kim thang” được hai nhạc sĩ Lê Giang và Trần Khiết Tường phối nhạc. Bài đồng dao bên cạnh việc xuất hiện trong các trò chơi thường ngày mà còn chứa đựng một ý nghĩa độc đáo, gắn liền với kỹ thuật trồng cây tại Nam bộ.
“Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo là kèo qua cột”.
Trong dân gian Việt Nam, “bắc kim thang” chính là một kỹ thuật trồng cây thuộc họ dây leo ở miền Tây Nam Bộ.
Người nông dân thường “bắc” hai cây cột hình thang cân theo hình tượng kim tự tháp. Hai cây cột được bắt chéo lại với nhau và chân cột cắm trên mặt đất. Những cái thang này cách nhau một khoảng nhất định, được sắp xếp theo hàng dài. Sau đó, chúng được nối với nhau bằng một cái kèo dài trên đầu để giữ cân bằng.
“Cà lang bí rợ” chỉ tên một số loại quả của miền Tây như quả cà, củ khoai lang và quả bí rợ. Ba giống này đều thuộc họ dây leo, chính vì vậy, những người nông dân thường làm kim thang để cây có thể leo lên và phát triển.
Đồng dao “Chi chi chành chành”
Bài hát “Chi chi chành chành” được phổ nhạc lại bởi nhạc sĩ Lương Bằng Vinh. Bên cạnh việc xuất hiện trong trò chơi cùng tên của trẻ em, bài đồng dao này con mang ý nghĩa như một bài sấm ký.
“Chi chi chành chành/Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương/Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm/Ú tim bắt ập”.
Đồng dao “sấm ký” là những câu hát có ẩn ý về thời cuộc do người lớn đặt ra dưới hình thức đồng dao để trẻ em dễ nhớ, dễ truyền miệng. Trong trường hợp “Chi chi chành chành”, bài đồng dao đề cập đến bối cảnh xã hội khi quân Pháp lần đầu xâm lược nước ta.
“Chi chi chành chành/Chu tri rành rành” có nghĩa là bố cáo cho thiên hạ đều biết.
“Cái đanh thổi lửa/Cái đanh nổ lửa” nói về tiếng súng của quân đội Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858, bắt đầu hành trình xâm lược.
“Con ngựa chết trương/Con ngựa đứt cương” ám chỉ việc băng hà của vua Tự Đức vào năm 1883 và sự rối loạn của triều đình Huế lúc bấy giờ.
“Ba vương ngũ đế/Ba vương tập đế” nhằm nói về sự kiện trong vòng chưa đầy một năm sau khi vua Tự Đức mất đã có liên tiếp ba vị vua lên ngôi là Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.
“Chấp chế đi tìm/Cấp kế đi tìm” nói về việc Tôn Thất Thuyết vì bị Thống Chế De Coursy xử ép nên đêm 22 tháng 5, 1885 liều đánh úp dinh Khâm Sứ và đồn Mang Cá ở Huế. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Tôn Thất Thuyết mang vua Hàm Nghi đi trốn rồi truyền chiếu Cần Vương đi khắp nơi. Quân Pháp một mặt lo dẹp loạn, một mặt cấp tốc cho người đi tìm vua Hàm Nghi để làm yên lòng dân.
“Ú tim bắt ập/Hú tim òa ập” nhằm ám chỉ sự kiện Trương Quang Ngọc làm phản, với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26 tháng 9, 1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt vua trong lúc đang ngủ.
Đồng dao “Tập tầm vông”
Tác giả Lê Giang đã thực hiện phối nhạc lại cho bài đồng dao “Tập tầm vông” vô cùng quen thuộc với trẻ em Việt Nam. Trò chơi “Tập tầm vông” gắn liền với ca khúc này.
“Tập tầm vông/Tay nào không/Tay nào có?
Tập tầm vó/Tay nào có?/Tay nào không?”.
Dựa vào lời bài hát, ta cũng có thể hiểu được phần nào cách thức trò chơi. Trò “Tập tầm vông” cần hai đến ba, bốn người tham gia. Một người sẽ giữ một đồ vật trong bàn tay trái hoặc phải và giấu sau lưng.
Sau đó, người giữ đồ vật sẽ thực hiện hát hoặc đọc bài đồng dao. Khi kết thúc bài hát đồng dao, những người chơi còn lại bắt đầu đoán xem tay nào đang nắm đồ vật.
Đồng dao “Dung dăng dung dẻ”
Bài hát “Dung dăng dung dẻ” được tác giả Trần Xuân Tiên phổ nhạc lại, phát triển dựa trên điệu “Hò giật chì” của Dân ca Nam Trung Bộ.
“Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi.
Đến cửa nhà trời,/Lạy cậu lạy mợ,
Cho cháu về quê,/Cho dê đi học,
Cho cóc ở nhà,/Cho gà bới bếp,
Xì xà xì xụp/Ngồi thụp xuống đây”.
Ca khúc thường được các bạn nhỏ nghêu ngao hát trong khi tham gia trò chơi. Người quản trò sẽ vẽ các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn ít hơn số lượng người chơi tham gia.
Khi trò chơi bắt đầu, các bạn nhỏ sẽ nắm áo tạo thành một hàng đi quanh những vòng tròn, vừa đi vừa hát. Đến câu cuối cùng “Ngồi thụp xuống đây”, các bạn cần nhanh chóng tìm vòng tròn và ngồi xuống.
Nếu bạn nhỏ nào không có vòng tròn để ngồi thì sẽ bị loại. Trò chơi sẽ được tiếp tục, số lượng vòng tròn sẽ được giảm xuống cho đến khi chỉ còn một người.
Tham khảo
Giáo trình Văn học Dân gian, Vũ Anh Tuấn (Chủ biên)
news.baodansinh.vn
vtc.vn
vovlive.vn