artLIVE – Từ ngày 7-31/12, Triển lãm ‘Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm’ sẽ mở ra cơ hội tuyệt vời để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ được chiêm ngưỡng thế giới hội họa đặc sắc của một trong những tên tuổi nổi bật của nền mỹ thuật Việt – Nguyễn Hiêm.
Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa
Cố họa sĩ Nguyễn Hiêm sinh năm 1917 tại Châu Đốc (An Giang). Dù lớn lên trong một gia đình làm nông nhưng từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ tình yêu với nghệ thuật chỉ từ việc mày mò những mô hình con trâu bằng đất sét. Khi trưởng thành, niềm đam mê ấy lớn dần và thôi thúc ông theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định – Sài Gòn, Nguyễn Hiêm trở thành kiến trúc sư chuyên thiết kế nhà tại Campuchia. Tại đây, ông đã có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, con người và văn hóa của “đất nước chùa tháp”. Đặc biệt, với sự cổ vũ nhiệt thành của người bạn thân, họa sĩ Lê Minh Hiền – nguyên là Giám đốc Xưởng Phim Hoạt hình Hà Nội sau này, họa sĩ Nguyễn Hiêm đã giành huy chương vàng triển lãm Mỹ thuật Đông Dương tổ chức tại Campuchia năm 1942.
Năm 1945, khi kháng chiến tại Nam Bộ nổ ra, lòng yêu nước sục sôi trong lòng người họa sĩ đã thôi thúc ông trở về và cống hiến cho Tổ quốc. Nguyễn Hiêm tham gia lực lượng quân đội trực tiếp trên mặt trận, sử dụng ngòi bút của mình để truyền động lực cho cuộc chiến trường kỳ của dân tộc.
Khi sự khốc liệt của chiến tranh được xoa dịu
Hơn 30 năm sáng tác và cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Hiêm đã để lại cho hậu thế một gia tài tác phẩm đa dạng. Những tác phẩm của ông tái hiện một cách sống động tháng năm chiến đấu hào hùng của quân dân Việt Nam, từ phong cảnh quê hương, chân dung người mẹ Việt Nam đến cảnh hành quân của các anh bộ đội, cảnh sinh hoạt của đồng bào ta thời bấy giờ.
Dẫu sáng tác trong điều kiện thiếu thốn vật chất, những tác phẩm của Nguyễn Hiêm vẫn ánh lên niềm tươi sáng, truyền tải tinh thần lạc quan. Trong thế giới nghệ thuật của người họa sĩ này, chiến tranh dường như đã bớt đi sự khô khan, khốc liệt mà phảng phất nét bình dị, hiền hòa của đất nước, con người Việt Nam.
Thông qua lăng kính nghệ thuật của ông, ta có thể chiêm nghiệm một góc nhìn rất khác về thời cuộc – tiếp cận nó ở những khoảnh khắc dung dị nơi tình người, tình yêu thiên nhiên trở thành cảm hứng chủ đạo.
Sau này khi hoà bình lập lại, ông tiếp tục cống hiến cho mỹ thuật nước nhà với nhiều tác phẩm đa dạng chất liệu. Nếu như ở giai đoạn trước, Nguyễn Hiêm chủ yếu sử dụng sơn dầu, bột màu, thuốc nước,… trong những tác phẩm của mình thì giờ đây, Nguyễn Hiêm tìm thấy ở chất liệu sơn mài một niềm say mê đặc biệt.
Nguyễn Hiêm và những di sản cho hậu thế
Những tác phẩm của Nguyễn Hiêm không chỉ dành được sự công nhận từ cộng đồng yêu mến nghệ thuật trong nước mà còn gây ấn tượng với bạn bè quốc tế. Tác phẩm “Hành quân đêm” của ông được Nhà xuất bản Mỹ thuật Liên Xô in vào tập tuyển nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Đặc biệt, vào năm 1962, Hội đồng Nghệ thuật Liên Xô đã xếp Nguyễn Hiêm vào hàng ngũ các bậc danh nhân trong Bách khoa toàn thư Liên Xô.
Sau khi họa sĩ Nguyễn Hiêm qua đời, con gái ông – hoạ sĩ Nguyễn Thị Mai Khanh là người lưu trữ toàn bộ những tài liệu, kỷ vật của cha. Năm 2013, cuốn sách “Hoạ sĩ Nguyễn Hiêm” do cô biên soạn ra đời, tựa cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của vị cố danh hoạ.
Nối tiếp chuỗi hoạt động nhằm tri ân những đóng góp không ngừng nghỉ của người chiến sĩ – họa sĩ này dành cho đất nước và nghệ thuật, Triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm” ra đời. Triển lãm trưng bày 48 tác phẩm tiêu biểu của vị cố họa sĩ, mang đến cơ hội tuyệt vời để công chúng được thưởng lãm những tác phẩm tiêu biểu của ông như “Trận Tầm Vu”, “Qua Cầu Khỉ”,…
Sinh thời, Nguyễn Hiêm miệt mài vẽ ra những tác phẩm sơn dầu, sơn mài khổ lớn bên cạnh những tranh thuốc nước cỡ vừa với ước mong ngày hòa bình lập lại, những bảo tàng mỹ thuật trên khắp đất nước sẽ có nguồn tác phẩm chất lượng để trưng bày phục vụ cho cộng đồng yêu nghệ thuật.
Triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm” mở cửa chào đón công chúng đến thưởng lãm từ ngày 7-31/12 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.
Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San