artLIVE – Ngày 16-12, triển lãm Địa hình huyền bí trưng bày các tác phẩm nổi bật của cố họa sĩ Lê Bá Đảng chính thức diễn ra. Những tác phẩm được tạo nên bởi một loại hình ngôn ngữ thị giác đa phương tiện riêng biệt.
Là một trong những nghệ sĩ hiện đại người Việt thành danh tại Châu Âu nửa sau thế kỷ 20, Lê Bá Đảng đã kiến tạo riêng cho mình một hệ thống ngôn ngữ thị giác đa phương tiện độc đáo. Dù sinh sống và thực hành xa quê, tác phẩm của ông vẫn bám rễ vào đời sống Việt, thấm đượm căn tính dân tộc cũng như chiều sâu văn hóa lịch sử.
Đôi nét về họa sĩ Lê Bá Đảng
Lê Bá Đảng (1921 – 2015) là một họa sĩ và điêu khắc giả nổi tiếng người Pháp gốc Việt. Trải qua nhiều biến cố cá nhân trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, ông quyết định nhập học tại Trường Mỹ thuật Toulouse (1942 – 1948), vừa đi học vừa đi làm. Những tác phẩm của cố họa sĩ bắt đầu được giới chuyên môn để mắt và đánh giá cao từ năm 1955. Từ cột mốc ấy, sự nghiệp nghệ thuật của ông khởi sắc và thăng tiến với rất nhiều triển lãm tại Pháp, Mỹ, Nhật…
Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Lê Bá Đảng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý ở Mỹ, Anh, Pháp và Việt Nam như “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” (Viện Quốc tế Saint – Louis, Mỹ, 1989), có tên trong danh mục “Những người có tên tuổi của thế giới” (Trung tâm Tiểu sử Quốc tế, Đại học Tổng hợp Cambridge, Anh, 1992), “Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp” (Nhà nước Pháp, 1994) và “Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước” (Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng, 2005).
Hiện nay, nhiều tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc của cố họa sĩ đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lê Bá Đảng và Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở Huế. Vào tháng 11 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tiếp nhận 253 hiện vật quý giá của ông, do vợ chồng ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê hiến tặng từ Pháp.
Họa sĩ Lê Bá Đảng từng chia sẻ về quan niệm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của mình như sau: “Tôi cứ làm khác người ta, xưa nay người ta quen nhìn thẳng. Bây giờ, con người đã bay lên trên trời rồi thì mình phải nhìn xuống để thâu tóm những gì rộng lớn, bao la, tổng quát để thoát ra khỏi những biên giới, để giải phóng những vòng vây hình thức của bức tranh”.
Cố họa sĩ không tìm kiếm những chất liệu cao quý, phức tạp mà ông tập trung khai thác vào những điều vốn đã có sẵn xung quanh. Cuộc đời nhiều thăng trầm đã đào tạo ra một Lê Bá Đảng kiên nhẫn, tháo vát và siêng năng, ông quan niệm không để bản thân bị bó buộc hay “khuất phục” trước bất kỳ trường phái nào, cũng không bắt chước ai. Lê Bá Đảng đi theo một đường lối riêng biệt và độc đáo, không Đông, không Tây.
Họa sĩ Lê Bá Đảng và loại hình ngôn ngữ thị giác đa phương tiện
Những tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ được xây dựng trên nền nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và tỉ mỉ, từ đó biến hóa nên lối tiếp cận, kỹ thuật sản xuất giấy thủ công mới lạ bao gồm in thạch bản – lithography, in tranh bằng lụa kết hợp dát vàng mà ông đặt tên là “Lebadanggraphie”, và cắt – dán giấy tạo không gian nổi “Spacegraphie” – kỹ thuật tạo cảm hứng cho ý tưởng giám tuyển triển lãm.
Trong triển lãm Địa hình huyền bí lần này, nhiều tác phẩm nổi bật của cố họa sĩ như Không gian, Tấn tuồng nhân loại, loạt tranh Thiên nhiên nguyện cầu không lời cũng được trưng bày với công chúng. Khi quan sát từ góc nhìn trên cao, các tác phẩm xuất hiện tựa như những sa bàn với đủ loại địa hình mô phỏng đồng ruộng, núi cao hay biển sâu. Đây có thể xem như một cách thức để họa sĩ hồi tưởng về hình ảnh đất nước đọng lại trong tâm thức tuổi thơ.
Họa sĩ Lê Bá Đảng kết hợp một cách tinh xảo các thủ pháp điêu khắc và hội họa để tạo hình khắc nổi trên những lớp bề mặt tranh. Những tác phẩm được chế tác từ nhiều lớp giấy chuyên dụng, từ đó, người thưởng lãm có thể hình dung được những loại không gian có chiều sâu, trừu tượng và đầy bí ẩn.
Tác phẩm Không gian được họa sĩ bắt đầu sáng tác năm 1985, kết hợp nhiều kỹ thuật cắt dán chồng chéo lên nhau, đan xen giữa điêu khắc và in nổi như một sự tổng hợp giữa tranh và tượng. Ông sử dụng một loại giấy thủ công dày, xé bằng tay và dán chồng lên nhau từng lớp cho đến khi đạt được hiệu ứng “đắp nổi”.
Người xem có thể nhìn thấy Không gian như một vầng trăng đầy tĩnh lặng. Với độ cao và mặt phẳng không đồng đều, khơi gợi trong tâm thức người thưởng thức về một vùng đất bí ẩn mà các nhà thám hiểm đang tìm kiếm. Lê Bá Đảng dẫn dắt người xem chìm đắm vào không gian của một vùng đất lạnh lẽo, hoặc sa mạc, hoặc đồi núi hoang sơ.
Chính kỹ thuật, chất liệu và cách sắp xếp trong mỗi “không gian”, cố họa sĩ Lê Bá Đảng dường như muốn kiến tạo nên một thế giới vũ trụ khác giao thoa giữa có và không, giữa sự sống và cái chết.
Đến với Tấn tuồng nhân loại, người xem dường như thấu được những giấc mơ, những kỷ niệm hay hình ảnh thiên nhiên và quang cảnh Việt Nam hiện ra ngay trước mắt. Sự ra đi của người con trai duy nhất và những trải nghiệm trong cuộc đời đã thúc đẩy cố họa sĩ bắt đầu sáng tác nên một loạt các tác phẩm trong Tấn tuồng nhân loại. Bức họa phơi bày một cách trần trụi, cô đọng những trò đời, trò điếm mà ông đã “nếm” qua.
Một mạch nội dung quan trọng khác của triển lãm là tính hư cấu huyền ảo trong bộ thạch bản Thiên nhiên nguyện cầu không lời – La Nature prie sans parole. Chuỗi tranh được sáng tác vào cuối thập niên 60, lấy cảm hứng từ chất thiền trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Chuỗi tranh được sáng tác vào cuối thập niên 60, lấy cảm hứng từ chất thiền trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Ảnh: Annam Gallery.
Họa sĩ Lê Bá Đảng dường như đã nghiệm ra toàn bộ triết lý Đạo giáo nguyên thủy trong biểu hình trừu tượng, với màu sắc dịu trầm, lắng đọng cùng những khoảng trống hậu cảnh chói sáng, bí ẩn và ảo diệu. Ông muốn dùng các hình dạng bất định như “những ngôn từ giúp ta phân biệt và nắm bắt thực tại”, cũng như “tái kết nối ta với sự thống nhất nguyên thủy và bản chất cốt lõi của mình”.
Triển lãm Địa hình huyền bí vẫn tiếp tục đón chào công chúng thưởng lãm đến hết ngày 28-1-2024 tại Annam Gallery.
Tham khảo
lebadangartfoundation.com.