‘Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn’ – Phi lý với cái lý nào?

Diệu Linh

|

14:41 20/12/2023

Share

artLIVE – Ngày 16-12 vừa qua, vở kịch phi lý ‘Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn‘ đã tái ngộ với công chúng Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm tạo ra cơ hội để các khán giả trẻ được kết nối với một hình thức sân khấu mới, từ đó mở ra những cuộc hội thoại tích cực xoay quanh nghệ thuật và đời sống.   

Giải thiêng ngôi đền sân khấu 

Kịch cổ điển, xuất phát từ sân khấu truyền thống của Hy Lạp và La Mã cổ đại, có xu hướng tổ chức chặt chẽ, tuân theo các quy ước về cốt truyện và nhân vật. Những quy tắc của kịch cổ điển – tiêu biểu như luật tam duy nhất về không gian, thời gian và hành động trong một vở kịch, dần trở thành thước đo “mẫu mực” cho nghệ thuật sân khấu trong các nền văn hóa phương Tây và thậm chí trên khắp thế giới. Tới tận ngày nay, sự mực thước của sân khấu cổ điển dần biến đây trở thành ngôi đền thiêng mà từ hàng ghế người xem, khán giả chỉ có thể ngắm nhìn chứ không thể chạm đến. 

Khác với trải nghiệm thưởng thức sân khấu kịch truyền thống, vở kịch phi lý “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” diễn ra tại một sân khấu hộp đen (black box theater). Không gian ấy đã được mở rộng để khai thác đến tận cùng chức năng của sân khấu và tất cả những gì thuộc về sân khấu. Thậm chí, người tham dự có thể tương tác cùng diễn viên, đạo cụ,… và trở thành một thành tố của vở diễn. Bằng cách này, tác phẩm hiển hiện lên sống động và linh hoạt trước mắt người xem, khiến họ trở nên cởi mở và tự do hơn trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.

kịch_phi_lý
Khán giả góp mặt, tương tác và trở thành một thành tố của tác phẩm.

Đến với “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”, khán giả được bước vào hành trình khám phá nghệ thuật bởi sự dẫn dắt của mùi hương, được kích thích vị giác bằng hương vị ẩm thực tinh tế. Để rồi, xuyên suốt gần 90 phút diễn ra tác phẩm, người xem đắm chìm vào một chuỗi sắp đặt những điều phi lý của hội thoại, hành vi, rượt đuổi.  

Đặc biệt, tiếng nhạc cụ hòa cùng âm thanh da diết bằng kỹ thuật á thanh do nghệ sĩ Chinh Ba thực hiện đã tạo nên nền tảng vững chắc cho tất cả những yếu tố chuyển động, ánh sáng,… trong không gian giao hòa cùng nhau. Tất cả chúng biến thành những nhân vật sống động mang theo cảm xúc, song hành cùng các diễn viên để tạo nên một bữa tiệc no nê cho tín đồ say mê nghệ thuật.

kịch_phi_lý
Nghệ sĩ Chinh Ba sử dụng chất liệu thể nghiệm để tạo nên tác phẩm này.

Cuộc đối thoại giữa những cái tôi

Trái ngược với quy trình thông thường, khi người đạo diễn đưa ra “bộ xương” ý tưởng rồi đi tìm phần “da thịt” như ngôn từ, diễn viên, bối cảnh,… để hoàn thiện đứa con tinh thần của mình, vở kịch phi lý này lại nảy sinh từ quá trình thực hành nghệ thuật của đạo diễn Chinh Ba cùng ba nghệ sĩ: Trần Quốc Dũng, Danni và Hương. Từ cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa anh cùng Dũng và Hương, sau đó là Danni, ý tưởng về một tác phẩm kết hợp giữa cả ba cá tính đặc biệt này ra đời. Nếu như Dũng là một tính nam nồng nhiệt, Hương là một bản dạng nữ tìm cách chối bỏ sự đa đoan thì Danni lại là một bản dạng phi nhị nguyên không tự đóng khung theo một khuôn mẫu nào. 

kịch_phi_lý
Hương – nhân vật luôn tìm cách chối bỏ sự đa đoan của mình.

Sau khi để quá trình gắn bó giữa bộ ba diễn ra một cách tự nhiên, đạo diễn Chinh Ba đặt họ trong những đoạn code về vận động và hội thoại mà tiêu biểu là câu thoại “Tôi muốn làm tình với anh” được lấy cảm hứng từ vở kịch phi lý Furtive Love của B.E. Turner.

Cường độ và tính chất của các cuộc hội thoại khi được đẩy lên cao trào dần bộc lộ bản tính, bản năng và cuối cùng là đẩy ra bên ngoài những cái tôi độc lập (ego) của họ. Dũng, Danni và Hương chính là họ, và cũng là những nhân vật phi lý hiện hình sống động trong “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”.

Tác phẩm mang đến cuộc hội thoại của một cực nam và một cực nữ trong không gian ranh giới mập mờ. Người phụ nữ – Hương đối thoại với “không ai cả” trong khi đó người đàn ông – Dũng thì luôn miệng những áp đặt đặc sệt nam quyền. Sự xuất hiện của nhân vật queer – Danni len vào như một tiếng nói thứ ba đã phá vỡ thế nhị nguyên giữa họ.

Cuộc hội thoại liên tục được nhắc đi nhắc lại ấy hòa cùng tiếng chuông, tiếng sóng, những cuộc rượt đuổi tưởng chừng như “vô nghĩa” cho đến khi sóng biển xóa sạch dấu vết của tất cả. Vở kịch lặp lại liên tục những hành động phi lý, với tần suất khác nhau về mặt thể chất và tâm lý, tạo nên sự oi bức, ngột ngạt và xung đột để rồi vỡ ra trong tâm thức khán giả những câu hỏi về  trắng – đen, phải – trái, hay thậm chí không gì có lý cả.

kịch_phi_lý
Vở kịch là cuộc rượt đuổi tưởng chừng như vô nghĩa của các nhân vật.

Có thể thấy, ba diễn viên đã trở thành người đồng sáng tạo trong tác phẩm này. Họ xuất hiện trên sân khấu không chỉ đảm nhiệm công việc diễn xuất, mà hơn hết còn cống hiến bức chân dung của một bản thể sâu thẳm được mời gọi để vượt thoát ra ngoài. Bộ ba đưa khán giả bước vào cuộc hành trình khám phá nhân vật, cũng chính là hành trình họ khám phá về cái tôi ẩn khuất sâu bên trong mình.

Đây cũng chính là tiền đề để vở kịch gợi mở những cuộc đối thoại đa chiều xoay quanh những sự phi lý, những dục vọng, những sự hung hãn, khát khao,… len lỏi bên trong tiềm thức và cuộc sống của chúng ta. 

Cùng đi tìm cái lý trong sự phi lý

Trong “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”, hành động và ngôn ngữ của nhân vật bị xé nhỏ đến mức không còn nghĩa, chính vì thế nó đòi hỏi người xem phải dùng đến cách tiếp cận khác so với những tác phẩm sân khấu thông thường. Thay vì hiển lộ bất cứ thông điệp, tư tưởng nào, vở kịch tạo ra một khoảng đất trống để khán giả thỏa sức bay nhảy, cày xới, vun trồng, chiêm nghiệm với những ý niệm, suy tưởng của mình. 

Vở kịch, theo nghệ sĩ thực hành sáng tạo sân khấu Trà Nguyễn nhận định, giờ đây “diễn ra trong nhận thức của khán giả, chứ không phải diễn ra trong một cái hộp, một vị trí (xác định) nào đó”.

Chính vì thế, khi có cơ hội cùng đạo diễn Chinh Ba và nghệ sĩ Trà Nguyễn dịch lại gần với vở kịch thông qua buổi thảo luận đầy cởi mở – “Nhậu với Trà, bàn chuyện gọi món”, khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ đã thỏa sức chia sẻ ấn tượng, suy tư và thắc mắc của mình xoay quanh vở kịch phi lý này.

Những đối thoại dần dần trở nên sôi nổi khi các vấn đề xoay quanh vở kịch được bóc tách bởi các từ khóa cùng điểm nhìn về giới, môi trường, năng lượng, lý luận phê bình,… Mọi người cùng “đi tìm Kiều” – một trong những nguồn cảm hứng để tạo nên tác phẩm, tìm thấy một số các quan điểm thú vị về giới sau khi xem phần trình diễn của ba nhân vật Hương, Dũng và Dani.

kịch_phi_lý
Đạo diễn Chinh Ba và nghệ sĩ Trà Nguyễn tham gia vào buổi thực hành phê bình cùng công chúng.

Thậm chí, bên cạnh việc bổ sung hay khẳng định ý nghĩa của vở kịch, một vài ý kiến từ người xem thậm chí bác bỏ chính sự phi lý vốn được định danh cho “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”. Đối với họ, kỳ thực sự phi lý ở đây không phải là cái vô lý – tức là không hợp lẽ phải, mà chính là phản ánh quá trình người nghệ sĩ “cãi lại cái lý bình thường” (từ của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng) đã tồn tại từ lâu đời trong tâm thức con người.

Khi đã lí giải được điều này, người xem sẽ có căn cứ để nhận định rằng liệu tác phẩm kịch phi lý này đã thành công với con đường mình theo đuổi hay chưa và liệu sự vượt thoát khỏi lý lẽ thông thường ấy sẽ dẫn đến điều mới mẻ gì.

Có thể nói, “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” không chỉ mang đến một vị mới mẻ cho sân khấu mà còn là một phép thử về tiềm năng tiếp cận đại chúng của loại hình sân khấu thể nghiệm.

Bằng việc tách tác phẩm xa rời khỏi vòng tay người nghệ sĩ và nhìn nhận chúng ở vị thế độc lập, khán giả dần trở thành những người đồng sáng tạo, góp phần làm dồi dào thêm cho ý nghĩa của tác phẩm và thậm chí, nối dài sức sống của nó cùng với thời gian. Những cuộc đối thoại đa chiều đầy hứng thú của người xem, đặc biệt là khán giả trẻ trước làn gió nghệ thuật mới này đã trở thành tín hiệu đáng mừng cho sáng tạo cũng như tiếp nhận nghệ thuật trong tương lai.

Ảnh: BTC