Hành trình hồi hương di sản của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên

Trang Dương

|

11:28 01/08/2023

Share

artLIVE – Giới trẻ Sài Gòn không chỉ được ngắm cảnh sắc thủy mặc trong sơn mài Trần Phúc Duyên mà còn được cảm nhận và sống cùng với những triết lý, suy tư, trăn trở của người họa sĩ tha hương.

Phạm Lê Collection kết hợp cùng gia đình cố họa sĩ và bảo tàng nghệ thuật Quang San đồng tổ chức Triển lãm di sản nghệ thuật Họa duyên tương ngộ kỷ niệm 100 năm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên. 

Chung thủy với nghệ thuật sơn mài

Họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) sinh ra tại Hà Nội, lớn lên trong một gia đình nghệ nhân nên ông yêu thích hội họa từ nhỏ. Sống trên đời 70 năm, thì 50 năm ông dành trọn cho nghệ thuật sơn mài, mặc dù có đến 40 năm ông sinh sống tại nước ngoài. Khác với một số nghệ sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng thời và cùng di cư sang châu Âu, ông chung thủy với nghệ thuật sơn mài, với những đề tài thấm nhuần tâm hồn Việt. 

hoa_si_Tran_Phuc_Duyen
Chân dung cố họa sĩ Trần Phúc Duyên. Ảnh: Phạm Lê Collection

Trần Phúc Duyên không lập gia đình. Ông đã dâng hiến gần như trọn đời cho nghệ thuật sơn mài và đã rất hạnh phúc khi được theo đuổi ham muốn của mình. Ông luôn say mê và không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp và giàu cảm xúc. Ở Châu Âu – xa biệt với quê hương của sơn ta, Trần Phúc Duyên đã âm thầm lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần đưa nghệ thuật sơn mài Việt Nam tỏa sáng rộng hơn ra thế giới.

Cơ duyên gặp được những tác phẩm 

Lê Quang Vinh chủ nhân bộ sưu tập cùng Phạm Quốc Đạt chia sẻ, năm 2018 khi nghiên cứu về Mỹ thuật Đông Dương, anh tìm được ghi chép của một nữ du khách người Mỹ tại Thụy Sĩ bước vào một buổi triển lãm 30 bức tranh sơn mài về Việt Nam. Những bức tranh này đã bị lãng quên 20 năm trên một tầng gác xếp của một lâu đài nên luật sư phải đem chúng triển lãm và tìm cách bán chúng để chia tài sản cho người thừa kế.

Tuy nhiên, cố họa sĩ lúc sinh thời không lập gia đình. Nhìn thấy những bức tranh nằm ở nền đất và họ không hiểu được giá trị của chúng. Vì vậy, anh mua lại những tác phẩm này nhưng đã có người khác đặt mua trước đó. Tuy nhiên, sau 3 tuần họ gọi lại nói rằng,  người ta mang về treo nhưng kích thước quá lớn nên họ không mua nữa.

Pham_Le_Collection
Từ trái qua phải: hai nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt.
Ảnh: Phạm Lê Collection
Pham_Le_Collection
Nhà sưu tập Lê Quang Vinh chia sẻ về triển lãm đến khán giả.
Ảnh: Phạm Lê Collection

Vậy nên, anh đã quyết định mua hết toàn bộ di sản của ông, với mong muốn hồi hương toàn bộ di sản này, về với công chúng Việt Nam. Lúc ấy, anh chi gần như toàn bộ tiền tiết kiệm để xin phép gia đình mua lại di sản này. Có thể nói, trong quá trình sưu tập, đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. 

Anh tin rằng, bộ sưu tập này là vô giá vì tìm được một di sản đầy đủ như vậy, từ thời kỳ đầu và xuyên suốt quá trình sáng tác của một nghệ sĩ trong giai đoạn đầu của mỹ thuật Việt Nam là cực kỳ hiếm. Vì thế, dù có phải mắc nợ thì anh vẫn muốn làm, để gìn giữ di sản này cho thế hệ sau. 

Triển lãm hồi cố Họa duyên tương ngộ

Họa duyên tương ngộ trưng bày hơn 100 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16, mở xưởng tại Hà Nội, cho đến khi ông di cư sang Pháp, Thụy Sỹ, và mất tại đó. 

Xuyên suốt sự nghiệp, ông đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo… 

Không gian triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600 mét vuông, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền Họa, Trừu tượng, và Phúc niệm. Đây gần như là đầy đủ các cột mốc sáng tác quan trọng của họa sĩ Trần Phúc Duyên cho công chúng cùng thưởng ngoạn. 

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Tranh vẽ chân dung người. Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Những bức vẽ phác thảo chân dung người của cố họa sĩ.
Ảnh: artLIVE

Được biết, cố họa sĩ làm việc vô cùng khoa học, logic và chăm chỉ khi mà các tệp tài liệu của ông đều được đặt tên và sắp xếp một cách chi tiết cho từng đề tài. Cụ thể, đến với không gian trưng bày những đơn đặt hàng từ những lãnh đạo Pháp và những bản phác khảo, có thể thấy ông luôn dành rất nhiều thời gian để thực hiện cho từng bức tranh bằng việc tỉ mỉ phác thảo bằng bút chì trước, chỉnh sửa rồi mới đến vẽ màu cho bức tranh. Chẳng hạn, đề tài vẽ tranh cô gái, ông có đến khoảng 16 bản phác thảo khác nhau về bố cục, dáng ngồi.

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Không gian trưng bày những tư liệu của cố họa sĩ. Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Những đơn đặt hàng của ông.
Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Những bác phác thảo của ông trước khi thực hiện một tác phẩm. Ảnh: artLIVE

Bên cạnh đó, triển lãm Họa duyên tương ngộ nhận được rất nhiều sự quan tâm và tình cảm của nhiều người yêu nghệ thuật. Nhằm đáp ứng nhu cầu muốn tìm hiểu sâu hơn những tác phẩm của danh họa Trần Phúc Duyên, bảo tàng đã tổ chức tour “ngẫm tranh Trần Phúc Duyên cùng nhà sưu tầm Vinh Lê” tham quan đặc biệt dưới sự hướng dẫn và thuyết minh của anh Vinh Lê – đồng sở hữu của bộ sưu tập Phạm Lê.

Làn gió mới thổi hồn vào trong lịch sử tranh sơn mài Việt Nam

Cùng là họa sĩ Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu nhưng chỉ duy nhất Trần Phúc Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình.

Bất chấp khoảng cách địa lý ở Châu Âu, thiếu thốn về tài nguyên, ông dành trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài. Ông đã thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật. Ông là vầng trăng sáng về tài năng và lòng nghiêm cẩn với nghề.

Để tiếp tục sáng tác với sơn mài tại Pháp và Thụy Sĩ, Trần Phúc Duyên đã dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật chất liệu khác nhau từ loại gỗ làm vóc, tới chất kết dính, chất pha, các chất màu. Ông sử dụng nhiều loại vàng với màu sắc độ tuổi và nguồn gốc khác nhau để tạo nên những bức tranh mới thoạt nhìn tưởng như đơn sắc nhưng khi ngắm kỹ ta thấy được sự chuyển động tinh tế của các gam màu nhẹ nhàng và thơ mộng. 

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Tranh sơn mài: Mùa gặt. Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Tranh sơn mài: Về chợ. Ảnh: artLIVE

Qua những thử nghiệm táo bạo này, cố họa sĩ đã có những cách tân có tính chất quyết định để tạo nên một bảng màu rất phong phú và một ngôn ngữ sơn mài độc đáo của chính mình.

Giao ngộ đặc biệt nhất có lẽ được ẩn trong kết hợp Đông-Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý chỉ có trong sáng tác của Trần Phúc Duyên. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. 

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Tranh sơn mài: Sương thu. Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Những bức tranh sơn mài về những loài hoa của họa sĩ Trần Phúc Duyên.
Ảnh: artLIVE

Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở.

Câu chuyện phục chế và bảo dưỡng tác phẩm

Sau 20 năm ở trên một tầng gác xếp của một lâu đài, mặc dù thời tiết, khí hậu ở châu Âu tốt hơn Việt Nam rất nhiều nhưng vẫn có sự thay đổi về thời tiết và không được bảo quản cẩn thận. Nhiều chất liệu khác nhau đòi hỏi sự chăm sóc khác nhau. Ví dụ, chất liệu giấy ngày xưa, nhất là những phác thảo của ông thời Đông Dương có chất liệu không tốt, có acid và phải xử lý.

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Tranh sơn mài: Vũ điệu kim ngư. Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Tranh sơn mài: Hoài cổ, 1977. Ảnh: artLIVE

Đối với khung tranh của ông, muốn giữ tốt nhất tinh thần tranh nên nhà sưu tập Phạm Lê không làm khung khác và giữ nguyên khung tranh của ông làm ở châu Âu. Họ bảo quản tranh trong nhiệt độ phòng và độ ẩm lý tưởng để hạn chế sốc nhiệt. Trong quá trình di chuyển, họ cũng thiết kế hộp tranh và mút lót chuyên biệt để hạn chế va đập nhiều nhất có thể. 

Ngoài việc cảm thấy may mắn khi tiếp nhận di sản này, Phạm Lê còn cảm nhận đây còn là một phần trách nhiệm gìn giữ bộ di sản này cho thế hệ mai sau. 

Sự đón nhận của công chúng Việt Nam

Tại triển lãm lần này, cháu gái của cố họa sĩ – bà Trần Tường Vân xúc động: “Tôi rất vui được quay trở lại Việt Nam và tham dự triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú tôi – họa sỹ Trần Phúc Duyên. Sự kiện cũng đánh dấu sự trở về của ông sau cả cuộc đời sống tại châu Âu. Đây cũng là cơ hội giới thiệu tới công chúng và những người yêu nghệ thuật Việt nam những sáng tác của ông tại Châu Âu. Tôi muốn cảm ơn Phạm Lê vì nếu không có niềm đam mê và nhiệt huyết của họ thì lễ kỷ niệm tuyệt vời này sẽ không thể được tổ chức.”

Bà Đào Hương, trưởng ban Vận động Mỹ Thuật và Ngoại giao văn hóa cũng chia sẻ: “Đây là một bộ sưu tầm công phu, chi tiết, mong rằng các nhà sưu tập trẻ sẽ thổi một luồng không khí mới cho Mỹ thuật Việt Nam. Sẵn lòng đưa bộ sưu tập ra Hà Nội để cho người Hà Nội cũng được chiêm ngưỡng.”

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Cố vấn nghệ thuật Ngô Kim Khôi và hai nhà sưu tập Phạm Lê.
Ảnh: Phạm Lê Collection
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Khán giả say sưa ngắm tranh sơn mài của cố họa sĩ. Ảnh: artLIVE

Suốt hành trình đi qua chín không gian triển lãm khán giả như được hòa mình vào câu chuyện của cố họa sĩ. Cuộc đời và di sản của ông dường như được ấn định bởi chữ “duyên” là một chuỗi giao ngộ của những số phận, dòng chảy lịch sử và chiều kích tư tưởng. 

Qua mỗi không gian, khán giả sẽ cảm nhận được tư duy sáng tạo, vượt ngưỡng trong từng bức vẽ của ông. Cố họa sĩ luôn làm mới mình với tràn ngập câu hỏi để thực hiện sứ mệnh của mình đó là nâng tầm sơn mài sánh vai với đẳng cấp của sơn dầu

Cố họa sĩ giúp tôi sống chậm lại

Anh Lê Vinh chia sẻ: “Trong quá trình mang di sản của cố họa sĩ trở về Việt Nam trải qua không ít khó khăn, nhiều lúc tôi cũng có suy nghĩ từ bỏ. Tuy nhiên, mỗi khi như vậy, tôi xem lại những bức tranh và nhìn vào câu chuyện của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đi qua, mình cảm nhận như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục làm việc.

Tôi nghĩ, cố họa sĩ chỉ đang muốn thử thách để tôi trở nên kiên định với mục tiêu của mình đã đặt ra cũng như ông luôn thực hiện sứ mệnh nâng tầm tranh sơn mài Việt Nam sánh ngang với sơn dầu cho dù có bao thử thách đến”.

Được biết, đối với sáng tác tranh sơn mài – một công việc nhiều công đoạn và rất nặng nhọc, là ông tự hoàn toàn làm một mình. Ngoài ra, đó còn là sự dám làm – dám thay đổi chính mình, cố gắng tìm tòi những cái mới – những chất liệu được tìm thấy ở châu Âu – để duy trì truyền thống, bản sắc Việt Nam.

trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Anh Lê Quang Vinh chia sẻ về tranh sơn mài của cố họa sĩ. Ảnh: artLIVE
trien_lam_Hoa_duyen_tuong_ngo
Bức thư của cố họa sĩ cho cháu của mình trước khi ông qua đời. Ảnh: artLIVE

Ngoài ra, anh cũng học được sự tĩnh lặng và sống chậm lại trong quá trình thực hiện bộ sưu tập. Anh tâm sự, để mang những tác phẩm quay về với quê hương Việt Nam không chỉ riêng công sức của anh mà đó là sự nỗ lực của một tập thể. Vì vậy, trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những lúc bất đồng ý kiến, nhưng anh đã học được sự điềm tĩnh từ cố họa sĩ để giải quyết công việc hiệu quả mặc dù trước đây anh là một người vô cùng nóng tính và không kiềm chế được cảm xúc.

Bởi vì, kể từ năm 80, ông ít sáng tác những tác phẩm khổ lớn với phong cách sơn mài truyền thống. Ông quay về với ngôn ngữ nghệ thuật Á Đông, với những tác phẩm khổ nhỏ hơn, thiên về bút pháp thủy mặc, thiền họa và hình trừu tượng. Trong những năm này ông tu thiền hàng ngày. Chất thiền như được thấm vào, hiện hữu trong tranh ông với những khoảng trống vô thường, sự yên bình tĩnh lặng và cảm giác an nhiên, thư thái.

Suốt quá trình thưởng lãm, khán giả sẽ nhận ra được một điểm chung trong những bức tranh của cố họa sĩ là ông là một người yêu trăng cũng như màu vàng của ánh trăng được sử dụng làm màu chủ đạo cho các bức vẽ. Trăng của họa sĩ được khắc họa rõ nét, tròn hơn và sáng hơn theo thời gian. 

Nhà Thơ Lý Bạch từng viết rằng: 

Ngẩng đầu thấy trăng sáng 

Cuối đầu nhìn cố hương

Có thể thấy rằng, mặc dù không sống ở Việt Nam nhưng qua từng bức tranh, cố họa sĩ đều thể hiện rõ lời tự sự, nỗi nhớ của người xa quê, luôn luôn hoài tưởng về quê nhà. Những bức vẽ về những chim ngỗng trời luôn bay qua ánh trăng, hướng về cội nguồn dù là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đó chính là ước mong của họa sĩ vì ông chưa từng quay trở về Việt Nam. Không gian Khúc niệm gần như là một dịp tưởng niệm, một nốt mặc niệm cuối cùng của ông, để khán giả có thể tri ân với ông, khi ông tri ân về cố hương. 

Triển lãm đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm tranh đến 6-8 tại bảo tàng nghệ thuật Quang San (TP.HCM).