Dinh Độc Lập – nơi lưu giữ ký ức lịch sử qua nhiều thế hệ

Annie Nguyen

|

8:19 25/07/2023

Share

artLIVE – Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc độc đáo mang nhiều giá trị lịch sử gắn liền với ký ức của người dân Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều thế hệ.

Tổng quan về Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập xưa được xây dựng theo phác thảo của kiến trúc sư người Pháp Hermite. Phần lớn sử dụng các vật tư vận chuyển từ Pháp sang. Công trình được hoàn thành vào năm 1873 và có tên là Dinh Norodom. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Dinh được xây mới với bản vẽ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, khởi công ngày 01 tháng 07 năm 1962 và được khánh thành ngày 31 tháng 10 năm 1966.

Ngô Viết Thụ được đánh giá là một trong những kiến trúc sư giỏi nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận giải Grand Prix de Rome vào năm 1955, và là kiến ​​trúc sư châu Á đầu tiên trở thành Thành viên danh dự của Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ, năm 1962. Ông mang đến những ý tưởng táo bạo đằng sau sự tái hiện thời hiện đại của cung điện.

dinh_doc_lap
Dinh Độc Lập. Ảnh: Minh Đức | artLIVE

Ngày 25 tháng 06 năm 1976, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Năm 2009, Dinh được xếp hạng là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam. Tòa nhà là công trình kiến ​​trúc nghệ thuật nguy nga, tráng lệ, gắn liền với lịch sử thống nhất hoàn toàn lãnh thổ Việt Nam năm 1975.

Khám phá khuôn viên ngoài trời

Dinh có diện tích 120.000 mét vuông, nằm giữa 4 trục đường chính, đó là: Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở phía Ðông Bắc (mặt chính của Dinh); Ðường Huyền Trân Công Chúa ở phía Tây Nam (mặt sau của Dinh); Ðường Nguyễn Thị Minh Khai ở phía Tây Bắc (bên trái Dinh); Ðường Nguyễn Du ở phía Ðông Nam (bên phải Dinh). Sân trước của Dinh là một thảm cỏ hình oval có đường kính 102 mét. Màu sắc xanh mát của thảm cỏ tạo ra một cảm giác êm dịu, sảng khoái cho du khách ngay khi vừa bước vào cổng.

b
Toàn cảnh Dinh Độc Lập nhìn từ trên cao. Ảnh: BaoDanTri

Nhìn xa một chút, trên gò đất cao ở góc trái Dinh phía đường Nguyễn Thị Minh Khai, có một nhà chòi bát giác, đường kính rộng 4 mét. Nhà có mái ngói cong cổ kính, không có vách ngăn xung quanh, tạo ra một không gian mở dùng làm nơi hóng mát, thư giãn và tạo điểm nhấn cho công trình khi nhìn toàn cảnh.

Một trong những chi tiết tạo nên nét thanh tao cho tòa nhà chính là những bông hoa sen và hoa súng trong hồ nước hình bán nguyệt chạy dài theo suốt chiều ngang của đại sảnh, tựa như những hồ nước yên ả trong các đình, chùa cổ kính của Việt Nam.

Cấu trúc chữ tượng hình của Dinh Độc Lập

Mong muốn mang đến cho công trình một ý nghĩa văn hoá sâu sắc, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp cả kiến ​​trúc hiện đại và sự đa dạng truyền thống châu Á trong mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến diện mạo bên ngoài. Tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc.

1 1 1
Ảnh: Dinh Độc Lập

Chính vì thế, hình dạng của Dinh phản ánh những đặc điểm khác nhau khi nhìn từ các góc độ khác nhau. Nhìn từ trên cao xuống, toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT (吉) có nghĩa là may mắn, tốt lành. Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư, Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu, hình chữ KHẨU (口), để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU có cột cờ sổ giữa tạo thành chữ TRUNG (中) để biểu thị trách nhiệm của người lãnh đạo.

Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành chữ TAM (三), ý mong muốn một đất nước hưng thịnh phải có những con người hội tụ ba yếu tố Nhân, Trí, Dũng. Ba nét gạch ngang này được nối liền với nét sổ dọc tạo thành chữ VƯƠNG (王) trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ (主) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước Dinh, bao gồm lầu hai và lầu ba kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng hai cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành chữ HƯNG (興) tượng trưng cho mong ước nước nhà luôn thịnh vượng.

Đây chính là thông điệp mà kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn gửi gắm, qua đó, cầu chúc cho người dân Việt Nam sẽ được hưởng quyền tự do ngôn luận, dưới sự lãnh đạo tuyệt vời của người đứng đầu nhà nước với ba phẩm chất trí tuệ, dũng cảm và nhân văn, có được chủ quyền tuyệt đối và sự hưng thịnh vĩnh cửu.

Nét độc đáo bên trong công trình

Vẻ đẹp thanh tao, nhã nhặn của kiến trúc Dinh còn được thể hiện thông qua các bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt tre trúc bao xung quanh tầng hai. Đây chính là ý tưởng tuyệt vời của kiến trúc sư tài ba khi ông lồng ghép văn hoá dân tộc vào một công trình hiện đại. Thiết kế này không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng đón lấy ánh sáng mặt trời và giúp thông thoáng không gian bên trong.

2 1 1
Ảnh: Dinh Độc Lập

Ngoài ra, khi đi vào bên trong Dinh, khách tham quan cũng dễ dàng nhận ra tất cả các đường nét dọc theo hành lang, đại sảnh hay các phòng đều có cấu trúc thẳng đứng, phẳng và vuông vức gợi nhắc về sự chính trực.

Khu nhà chính hình chữ T, có diện tích 4.500 mét vuông, cao 26 mét, nằm ở vị trí trung tâm khu đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, được chia làm 95 phòng. Mỗi phòng có một chức năng riêng đi kèm với kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng.

IMG 5946
Phòng Khánh Tiết. Ảnh: Minh Đức | artLIVE

Tầng trệt có sức chứa lên đến hơn 500 người, bố trí các phòng họp, phòng tiệc Nhà nước, là nơi tổng thống tổ chức các sự kiện, cuộc họp quan trọng, những buổi yến tiệc, tiếp đón các chức sắc trong và ngoài nước.

Tầng thứ hai bao gồm Phòng Hội đồng An ninh Quốc gia, treo các bản đồ quân sự về tình hình chiến tranh ở Việt Nam trên các bức tường, nơi Tổng thống gặp gỡ các cố vấn và tướng lĩnh của mình. Bên cạnh đó là Phủ Tổng thống, văn phòng làm việc của Tổng thống mang lối kiến trúc trang nhã. Phòng gồm hai phần: một phần dành cho các đại sứ ngoại quốc và một phần dành cho các thống đốc Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, có một khu vực riêng tư dành cho các thành viên trong gia đình Tổng thống.

IMG 5916
Phòng Đại Yến. Ảnh: Minh Đức | artLIVE

Tầng thứ ba có Phòng tiếp khách của Đệ nhất phu nhân, nơi bà gặp gỡ các vị khách đại diện cho một quốc gia hay các tổ chức quốc tế. Phòng được thiết kế đơn giản nhưng trang nhã và ấm cúng. Phòng uỷ nhiệm trưng bày 40 bức tranh mô tả cuộc sống yên bình của người Việt Nam vào thế kỷ 15.

Có lẽ khu vực không nên bỏ qua đó chính là tầng hầm ngay bên dưới Dinh. Trung tá kỹ sư Phan Văn Điển, cũng là Chánh văn phòng Dinh Độc Lập, chịu trách nhiệm thiết kế căn hầm. Tầng hầm có một đường hầm dài 72,5 mét, rộng 0,8 mét và sâu từ 0,6 đến 20,5 mét. Mỗi căn phòng dưới tầng hầm liên kết với một lối vào nhỏ và được trang bị tường bọc thép cùng hệ thống thông gió để bảo vệ Tổng thống. Ngoài ra, Dinh còn có các phòng dành cho các hoạt động giải trí của Tổng thống, chẳng hạn như phòng khiêu vũ, phòng chiếu phim …

Independence Palace 2
Những tặng vật quý mà những vị khách tặng cho Tổng thống. Ảnh: Instagram @zomgtory

Đây còn là nơi lưu giữ một bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật rất giá trị, đa phần là những bức tranh sơn mài, tranh sơn dầu, điển hình như bức tranh Làng quê Việt Nam của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chính là một điểm nhấn; bức tranh minh hoạ về văn học Việt Nam như tranh sơn dầu Truyện Kiều; cùng một số kỷ vật hay tác phẩm gốm sứ có giá trị cao được các vị khách quý và các địa phương biếu tặng cơ quan sở tại thời bấy giờ.

Cho đến nay đã hơn năm mươi năm trôi qua, Dinh Độc Lập vẫn là một trong số ít công trình kiến trúc lịch sử được bảo tồn và gìn giữ ở khu vực miền Nam.

Tham khảo:

dinhdoclap.gov.vn

local-insider.com