artLIVE – Các món đồ trang trí đầy màu sắc trong dịp lễ Giáng Sinh đều ẩn chứa những câu chuyện đầy ý nghĩa gắn liền với phong tục – văn hóa hoặc niềm tin tôn giáo.
Giáng Sinh không chỉ được đánh dấu như ngày đón mừng sự ra đời của Thiên Chúa trong niềm tin Công Giáo, mà dần trở thành một lễ hội để tất cả mọi người cùng vui chơi với nhiều hoạt động thú vị. Trong đó, việc trang trí không gian nhà ở bằng những biểu tượng – vật dụng đã trở thành hoạt động không thể thiếu.
Cây Giáng Sinh
Nguồn gốc của cây Giáng Sinh được bắt đầu từ hình ảnh “Cây Thiên Đường”, xuất hiện trong các vở kịch được diễn trước các nhà thờ trong mùa Vọng (thời điểm người Công Giáo canh thức và đón chờ ngày Giáng Sinh).
Theo lịch của người Công Giáo, ngày lễ Giáng Sinh chính là ngày đầu tiên của năm mới, Cây Thiên Đường hiện diện trong các vở kịch về Adam và Eva gợi nhớ về Vườn Địa Đàng – nơi Thiên Chúa tạo ra hai con người đầu tiên.
Thánh Martin Luther được cho là người đầu tiên mang cây Giáng Sinh vào nhà để trang trí. Theo truyện kể, một đêm trước lễ Giáng Sinh, ngài đi dạo trong rừng, ngắm nhìn những ngôi sao và tưởng nhớ về Chúa Giê-su. Sau đó, ngài đã mang một cái cây vào nhà và trang trí nó bằng những ngọn nến để tượng trưng cho các vì sao.
Những đồ trang trí trên cây Giáng Sinh
Những năm đầu thế kỷ 17, cây Giáng Sinh đầu tiên ở Đức được trang trí bằng những thứ ăn được như bánh gừng và táo phủ vàng. Mãi đến năm 1860 – 1870, đồ trang trí bằng chì và thủy tinh mới được ra đời. Đây được cho là nguồn gốc của những trái châu – bauble nhiều màu sắc được treo trên cây Giáng Sinh ở hiện tại.
Dây kim tuyến và truyền thuyết về con nhện Giáng Sinh
Tinsel – dây kim tuyến lần đầu tiên được tạo ra ở Nuremberg, Đức vào năm 1878. Những vòng hoa “kim tuyến” đầu tiên được bán vào những năm 1890, làm từ dây đồng mạ bạc. Dần về sau, dây kim tuyến bằng nhựa nhân tạo được phát minh và trở thành vật trang trí không thể thiếu trên các cây Giáng Sinh.
Theo truyền thuyết, có một gia đình nghèo không có đủ kinh phí để trang trí cây vào dịp Giáng Sinh. Khi bọn trẻ đi ngủ, một con nhện phủ mạng lên cây và vào sáng hôm sau, những mảng tơ biến thành các sợi chỉ bạc, vàng một cách kỳ diệu.
Thiên thần và ngôi sao Bethlehem
Việc trang trí Thiên Thần và ngôi sao lên đỉnh của cây Giáng Sinh bắt nguồn từ các câu chuyện từ trong Kinh Thánh Tân Ước của người Công Giáo. Thiên Thần đã xuất hiện và truyền tin đến cho Đức Mẹ Maria về việc bà sẽ mang thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Vào ngày Chúa Giêsu ra đời, những Thiên Thần hiện ra với những người chăn cừu và bảo họ hãy đến bái lạy Thiên Chúa, Người đã đến với thế giới này.
Ngôi sao tỏ ra để soi đường cho các đạo sĩ từ phương Đông xa xôi đến thờ lạy Hài nhi Giêsu tại hang đá Bethlehem. Chính vì vậy, ngày nay trên đỉnh cây Giáng Sinh, người ta thường gắn lên tượng một Thiên Thần hoặc ngôi sao để tuyên bố đức tin hoặc xua đuổi vận xui trong ngày lễ.
Chim Bồ câu
Trong Công Giáo, chim Bồ câu thường được biểu trưng cho hình ảnh Chúa Thánh Thần – Ngôi Ba Thiên Chúa. Chim Bồ câu trong niềm tin văn hóa khác còn được xem như là biểu tượng của hòa bình.
Điều này liên hệ mật thiết với ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh, vì sự ra đời của Chúa Giêsu chính là ban bình an và ơn cứu rỗi đến với thế gian. Vào đêm Hài nhi Giêsu chào đời, các Thiên Thần đã hát khen với các mục đồng rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Người ta thường trang trí hình ảnh chim Bồ câu trên cây Giáng Sinh không chỉ nhắc nhớ về thần khí Chúa Thánh Thần mà còn cầu nguyện sự hòa bình, ơn bình an đến trên khắp địa cầu.
Chuông Giáng Sinh
Hình ảnh về những cái chuông vẫn luôn gắn liền với dịp lễ Giáng Sinh, từ trong những bài hát cho đến việc thành một vật trang trí. Trong các nhà thờ Công Giáo, trước những dịp lễ lớn hoặc lễ trọng, những chiếc chuông sẽ được rung lên như một cách báo hiệu.
Vào ngày lễ Giáng Sinh, vào đúng nửa đêm, chuông lớn ở nhà thờ sẽ được kéo rung, nhắc nhớ các Tín hữu cùng mừng vui vì Chúa Con Giêsu đã ra đời. Chính vì vậy, những chiếc chuông được treo lên cây Giáng Sinh hoặc vòng hoa (Wealth) không chỉ như một biểu tượng nhắc nhở mà còn có hàm ý mong cầu niềm vui, niềm hân hoan cho một năm sắp tới.
Lá và quả cây nhựa ruồi
Lá và quả nhựa ruồi phản chiếu ánh sáng, tô điểm thêm nhiều màu sắc cho những ngày mùa đông đen tối. Có lẽ, vì ý nghĩa này mà từ xa xưa, chúng đã được dùng như một vật trang trí vào dịp lễ.
Tuy nhiên, trong niềm tin Công Giáo, chúng còn đại diện cho những vòng gai trên vương miện của Chúa Giêsu hay những quả dâu tượng trưng cho giọt máu đã đổ ra để cứu rỗi nhân loại.
Theo truyền thống, ngoài việc trang trí cây Giáng Sinh thì còn có một cậu bé mặc bộ đồ lá nhựa ruồi và một cô gái mặc áo thường xuân diễu hành quanh làng. Hoạt động này có hàm ý đưa mong cầu thiên nhiên vượt qua giai đoạn đen tối nhất trong năm, cầu nguyện cho sự màu mỡ cho đất đai vào năm mới.
Những đồ trang trí cho không gian vào lễ Giáng Sinh
Bên cạnh cây Giáng Sinh và những đồ vật trang trí kèm theo, vào dịp lễ lớn nhất trong năm của người Công Giáo này, ta còn dễ dàng bắt gặp một số vật trang trí quen thuộc khác.
Vòng hoa – Wealth
Nguồn gốc của những vòng hoa này khởi phát từ việc giữ lại những mảng cây thừa sau khi được tỉa và đan chúng thành những vòng treo. Ban đầu, những vòng hoa này được cắt tỉa thành hình tam giác – tượng trưng cho hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa.
Những vòng hoa trong thời kỳ đầu thường được dùng làm đồ trang trí cây Giáng sinh chứ không đơn thuần trang trí độc lập. Dần về sau, những vòng hoa được sản xuất theo kết cấu vòng tròn, biểu trưng cho tính hoàn hảo thần thánh của sự vĩnh cửu.
Nến Giáng Sinh
Bên cạnh những vật khác, vào đêm Giáng Sinh, nến cũng được thắp sáng và xem như một món đồ trang trí. Ý nghĩa của việc thắp nến dựa vào câu chuyện của thánh Martin Luther – người đã mang cây Giáng Sinh về nhà và trang trí chúng bằng những ngọn nến.
Ngoài ra, ánh sáng của những ngọn nến cũng đại diện cho nguồn sáng của ngôi sao đã dẫn đường cho các đạo sĩ phương Đông đến bái lạy Hài nhi Giêsu trong Kinh Thánh. Trong niềm tin của người Công Giáo, Chúa Giêsu chính là ánh sáng của thế gian. Chính vì vậy, việc trang trí nhà cửa bằng những ngọn nến vào đêm Giáng Sinh là để bày tỏ mong muốn đón nhận ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa.
Cây tầm gửi – Mistletoe
Cây tầm gửi gắn liền với hoạt động truyền thống vào dịp lễ Giáng Sinh: những cặp đôi hôn nhau dưới cây tầm gửi sẽ có thể bên cạnh nhau mãi mãi. Nếu một trong hai người từ chối đón nhận nụ hôn thì sẽ gặp phải vận rủi.
Cây tầm gửi là một loại cây bán ký sinh, tạo ra những quả mọng nhỏ màu trắng và hầu như chỉ mọc trên cây. Khi hạt bắt đầu phát triển, cây sẽ bám vào cây “chủ” để lấy nước và các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết để tồn tại.
Trong nhiều văn hóa, cây tầm gửi chính là biểu tượng của tình yêu và hòa bình. Chính vì vậy, nó vô cùng phù hợp để trở thành một vật trang trí trong ngày lễ Giáng Sinh.
Tất treo
Tất treo đã trở thành một vật trang trí Giáng Sinh truyền thống qua nhiều thế kỷ. Ý nghĩa của những chiếc tất được treo trên đầu giường hoặc lò sưởi gắn liền với câu chuyện của Thánh Nicholas – hình tượng gốc của ông già Noel được phổ biến sau này.
Theo truyền thuyết, có một gia đình nghèo khổ, vì gia cảnh nên không thể gả ba người con gái xinh đẹp cho những người đàn ông tốt lành trong làng. Trong lúc đang đi dạo, Thánh Nicholas nghe được câu chuyện về gia đình đó, Ngài muốn giúp đỡ nhưng người đàn ông đó lại từ chối bất kỳ hình thức từ thiện nào.
Một đêm nọ, Thánh Nicholas bèn trượt xuống ống khói của ngôi nhà của gia đình và đổ đầy những đồng tiền vàng vào đôi tất mới giặt của các cô gái.
Từ câu chuyện này, người ta bắt đầu treo tất vào đêm Giáng Sinh. Với trẻ nhỏ, hoạt động này như hình thức mong đợi những món quà Giáng Sinh sẽ xuất hiện. Đối với người trưởng thành, việc treo tất còn mang hàm ý cầu nguyện sự nâng đỡ và ban ơn từ các vị Thánh.
Tham khảo
nolacatholic.org
whychristmas.com
bhg.com
celebratingholidays.com
treesforlife.org.uk
time.com
rusticcharmcandles.com
ambius.com
smithsonianmag.com