artLIVE – Địa Tạng Phi Lai Tự hay tên cổ gọi là chùa Đùng nằm trọn trong lòng dãy núi Phi Lai (Hà Nam). Ngôi chùa sở hữu nét kiến trúc cổ kính, trầm mặc suốt hàng ngàn năm tuổi đẹp tựa chốn tiên cảnh bình yên – nơi gột rửa tâm hồn và quên hết những ưu phiền.
Lịch sử của chùa Địa Tạng Phi Lai
Theo câu chuyện lưu truyền của người dân trong ngôi làng xung quanh, chùa Địa Tạng Phi Lai (xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) trước kia là một ngôi chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XI với quy mô 120 gian chùa cổ. Nơi đây đã từng là nơi vua Tự Đức đến cầu tự và đổi tên cho chùa là Phi Lai.
Nhà vua nói rằng: “Phi Lai – nghĩa của từ này khá rộng, có thể hiểu là sẽ quay trở lại, cũng có thể sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Tên mới của chùa được đặt là Địa Tạng Phi Lai Tự, có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn ghé đến nơi này, cũng có thể là Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này, mà nơi nào Đức Địa Tạng không về thì nơi đó thành Phật rồi”.
Tuy nhiên, theo thời gian, kiến trúc và cảnh quan bị bào mòn, không được tu tạo, cây cối mọc hoang vây kín nên chùa Địa Tạng Phi Lai dường như bị lãng quên và xuống cấp nghiêm trọng. Đến tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận chùa, tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai Tự.
Cùng quan điểm sống hòa với tự nhiên, sau hơn 5 năm trùng tu và xây dựng, sư thầy trụ trì cùng Phật tử gần xa đã cùng nhau tạo nên một kiệt tác về kiến trúc cảnh quan và không gian thiền vị cùng hệ thống tượng thờ đặc biệt, từ đó tạo nên sự an lạc và bình yên cho bất kỳ ai ghé thăm.
Lối kiến trúc cổ kính thanh tao
Địa thế của Địa Tạng Phi Lai Tự được ôm trọn bởi dãy núi hình vòng cung với thế đất tứ tượng: tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu huyền vũ và tiền chu tước. Theo phân tích của Giáo sư sử học Lê Văn Lan, chùa nằm trên địa danh được nhắc đến trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi với tên gọi Đọi Sơn hoặc Điệp Sơn, nơi phên dậu phía Nam của kinh thành Thăng Long, đột khởi lên một dãy núi ngay giữa đồng bằng.
Với vị trí phong thủy hiếm có, ngôi chùa như một chiếc ngai vàng vững chãi nằm tựa vào dãy núi trùng trùng điệp điệp luôn rì rào tiếng thông reo phía sau rừng. Điều này vừa gợi lên cảm giác thanh nhàn, thoát tục mà bất kỳ ai chạm chân đến đây cũng có thể cảm nhận được.
Địa Tạng Phi Lai Tự rộng lớn với quy mô hơn 100 gian chùa cổ gồm tòa Tam Bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông, Đức Thánh Hiền, điện Phật Quan Thế Âm cùng nhà ở của tăng ni, giảng đường và nhà khách. Trên đỉnh Phi Lai có tháp Phổ Đồng – nơi yên nghỉ của hơn 40 đời tổ sư được xây dựng vào thời Lý – Trần, dưới chân tháp tiếp nối sau làng Đùng là làng Tháp. Trước cầu thang dẫn lên chùa là tượng của hai vị Hộ Pháp kim cang uy nghiêm là tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ.
Chùa Địa Tạng Phi Lai được xây dựng theo lối kiến trúc cột kèo truyền thống, các chi tiết được trổ hoa văn một cách tinh tế mang đậm nét Phật giáo với thiết kế tòa Tam Bảo lớn nhất nằm giữa. Sử dụng màu sắc chủ đạo là nâu – vàng- trắng, Địa Tạng Phi Lai Tự được hình thành từ những nguyên liệu thiên nhiên gần gũi nhất như gỗ, trúc, tre, đất nung, ngói ta, gốm, sứ… tạo nên vẻ hài hòa cùng dòng chảy tự nhiên.
Hệ thống mái chùa được thiết kế với nhiều lớp mái ngói đặc trưng hình rồng phượng tạo cảm giác nguy nga và thanh tao. Gạch ngói cả quần thể chùa sở hữu nét kiến trúc Chăm-pa rõ rệt khi trước kia, sau chiến thắng quân Chiêm Thành, các tù binh được đưa về chùa và xây dựng tháp.
Gạch được in hình hoa sen, rồng, hình thần chim Garuda hoặc bia đá hình công phượng đều đã từng điểm lên sự nổi bật cho ngôi chùa cổ hàng nghìn năm về trước. Các mẫu gạch ngói cùng các cổ vật triều đại Lý – Trần được tìm thấy ở chùa Địa Tạng Phi Lai tương đối nhiều được sư thầy trụ trì trưng bày trong gian trà thất nhỏ ở chùa để các thế hệ hậu sinh có thể hiểu về lịch sử ngôi chùa và lịch sử mảnh đất Thanh Liêm.
Ngôi chùa không chỉ dừng lại là một không gian thờ tự trang nghiêm, quần thể chùa còn trở thành điểm đến hấp dẫn với các du khách gần xa. Khắp dọc đường lên tới đỉnh núi là những điểm dừng chân với vườn thiền tuyệt đẹp – địa điểm để khách có thể nghỉ ngơi, đọc sách hoặc thiền định sau khi chiêm bái và dâng hương.
Điểm đặc biệt ở các căn nhà đều được trát bằng bùn trộn với rơm khô tạo ra không gian thưởng trà với những bộ ghế đá nằm yên tĩnh giữa sắc xanh lá thiên nhiên nằm trong những chiếc lều tranh tre nứa lá đơn giản nhưng lại đẹp một cách thanh tịnh đến lạ thường.
Không gian thiền định an tĩnh
Khắp khuôn viên chùa tràn ngập dãy chuông gió được treo dọc trên mái già lam tạo ra bản hòa ca tựa của trời đất được hòa thanh. Bước vào trong sân, âm thanh ngân vang cùng màu sỏi trắng rải khắp sân – đặc trưng của Địa Tạng Phi Lai Tự, như níu gót những người tới vãn cảnh. Khu vực được rải sỏi trắng được gọi là “khổ hải” tức “biển khổ”, vì là “biển” nên khách tham quan đến chùa chỉ có thể bước trên bờ là những viên gạch đen mà chùa đã đặt sẵn.
Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định được trải khắp khuôn viên chùa tạo nên cảm giác thanh thoát trong lòng người. Màu trắng của sỏi kết hợp với màu nâu của kiến trúc cột gỗ, màu vàng của những bức tường cổ kính tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa và đẹp mắt.
Phía trước khu Tổ đường là 12 vòng tròn tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người thể hiện sự liên hệ nhân quả với những sóng gió mà mỗi người phải trải qua trong một kiếp người. Tạo hình 12 vòng nhân duyên xoay tròn tạo ra một điểm nhấn nổi bật của bãi sỏi trắng trước sân chùa.
Men theo con đường đá đen nổi bật trên nền sỏi trắng tinh khiết là bước vào công trình thờ tự với lối kiến trúc trầm mặc và an tĩnh như tòa Tam Bảo, điện Đức Thánh, tháp Đại Bi, nhà thờ Tổ… Bên trong gian thờ Tam Bảo là 4 bức tượng chính là đức Địa Tạng Vương Bồ Tát ngự phía trước, nhìn ra phía sau ngự trên tòa sen cao hơn là tượng Đức Phật Thích Ca cùng hai bên là tượng ngài A Nan và Ca Diếp – 2 trong số 10 đại đệ tử của Đức Phật.
Kiến trúc Zen được phủ xuyên suốt mang lại cho Địa Tạng Phi Lai Tự một vẻ đẹp vô cùng tinh tế và thống nhất cho cảnh quan tổng quan của chùa. Zen là phong cách kiến trúc có nguồn gốc từ Nhật Bản làm hiện thực hóa tinh thần Phật giáo, giúp mang lại một không gian an tĩnh và yên bình, nơi mà mọi người khi đến đây có thể tìm thấy sự an yên sâu trong tâm thức và hòa mình hoàn toàn vào thế giới tự nhiên.
Zen có nghĩa là Thiền trong tiếng Nhật. Thiền định trong kiến trúc Zen được bộc lộ một cách rõ nét trong sự cân bằng và hài hòa các yếu tố gắn liền với phong cách tối giản cùng sự tinh tế và thanh khiết. Khi nhịp sống hiện đại ngày một náo nhiệt, gấp gáp và trở nên xô bồ thì kiến trúc Zen giúp tâm hồn con người có thể tự tĩnh tâm và tìm thấy an bình.
Đông đúc nhưng không ồn ã, Địa Tạng Phi Lai Tự luôn dập dìu Phật tử và du khách nhưng không gian vẫn yên bình và tĩnh lặng. Ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc cổ độc đáo, không khí trong lành và mát mẻ cùng mùi hương lúa chín thoang thoảng trong tiếng chim hót, tiếng suối chảy tạo nên không khí an yên, thanh tĩnh và nhẹ bẫng. Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng, chùa Địa Tạng Phi Lai còn là nơi sinh hoạt của những người dân quanh chùa, nơi giúp con người trải nghiệm cuộc sống và hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ.
Tham khảo:
nhandan.vn
danviet.vn
vov2.vov.vn
daidoanket.vn