Bí mật sau bức chân dung ‘Cô gái Afghanistan’

Trang Dương

|

7:55 27/07/2023

Share

artLIVE – Bức chân dung Cô gái Afghanistan của nhiếp ảnh gia Steve McCurry trở thành biểu tượng trên toàn thế giới về sự bất công mà phụ nữ Afghanistan đang phải chịu đựng.

Nhiếp ảnh gia đương đại

Nhiếp ảnh gia Magnum Steve McCurry sinh năm 1950 là một phóng viên ảnh người Mỹ và theo học tại Đại học Penn State. Ban đầu, ông lên kế hoạch nghiên cứu điện ảnh và làm phim, nhưng cuối cùng lại quan tâm nhiều đến nghệ thuật sân khấu và tốt nghiệp vào năm 1974. McCurry dành đam mê cho nhiếp ảnh khi ông chụp ảnh cho tờ báo Penn State The Daily Collegian.

Sự nghiệp của ông đã được bắt đầu khi cải trang trong trang phục bản địa, ông đã vượt qua biên giới Pakistan vào khu vực phiến quân kiểm soát của Afghanistan ngay trước cuộc xâm lược của Liên Xô. Trong hơn 30 năm làm việc, ông trở thành một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của nhiếp ảnh đương đại. Một trong những tác phẩm đánh dấu sự thành công trong sự nghiệp của ông không thể không nhắc đến bức ảnh “Cô gái Afghanistan” lần đầu xuất hiện trong tạp chí National Geographic, trở thành một hình ảnh mạnh mẽ của thế giới.

tam_anh_của_nhiep_anh_gia_McCurry
Bão bụi, Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: Lensmagazine.net
tam_anh_của_nhiep_anh_gia_McCurry
Người bán hoa. Hồ Dal, Srinagar, Kashmir, 1996.
Ảnh: Lensmagazine.net

McCurry sau một lần suýt chết đuối ở Ấn Độ, và sống sót từ vụ tai nạn máy bay ở Nam Tư, ông đã có tác phẩm của riêng mình được đăng trên các tạp chí trên toàn thế giới. Ông được công nhận với một số giải thưởng danh giá nhất trong ngành như Huy chương vàng Robert Capa và bốn giải nhất chưa từng có từ cuộc thi Ảnh Báo chí Thế Giới.

Bức ảnh “Cô gái Afghanistan” 

Bức chân dung nổi tiếng của Steve McCurry về Sharbat Gula – cô gái tị nạn trẻ tuổi ở Afghanistan được chụp vào tháng 12 năm 1984.  Bức ảnh đã thu hút độc giả bằng đôi mắt với ánh nhìn đầy ám ảnh và lạnh lùng của cô gái trẻ khi lần đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của National Geographic vào năm 1985 và trở thành ảnh bìa nổi tiếng nhất của của tạp chí này.

tap_chi_national_geographic
Bức ảnh “ Cô Gái Afghanistan” của nhiếp ảnh gia McCurry xuất hiện trên bìa tạp chí National Geographic năm 1985. Ảnh: Artshelp.com

Khi bức chân dung lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí, tên của cô ấy không được biết đến và bức ảnh chỉ có tiêu đề: “Cô gái Afghanistan”. Ban đầu bức ảnh được chụp cho một bài báo tập trung vào biên giới Pakistan-Afghanistan. Tuy nhiên, sau khi được xuất bản, nó đã mang lại thành công vang dội và nhanh chóng trở thành biểu tượng của Afghanistan đối với phương Tây, đặc biệt là để nâng cao nhận thức sâu sắc về quyền của người phụ nữ Afghanistan và hoàn cảnh đáng thương của người dân đất nước này.

Bí mật đằng sau bức chân dung nổi tiếng

Năm 1984, Steve McCurry được National Geographic giao nhiệm vụ chụp ảnh các trại tị nạn dọc biên giới Afghanistan và Pakistan. Tại thời điểm ấy, những trại tị nạn mọc lên rất nhiều và người tị nạn sống ở đó trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 tới tháng 11 năm 1984, ông McCurry đã tới thăm khoảng 30 trại tị nạn. 

Trong giai đoạn đó, cha mẹ cô đã bị giết chết. Vì vậy, cô buộc phải trốn đến trại tị nạn Nasir Bagh, ở nước láng giềng Pakistan, cùng với anh chị em và bà của mình. Tại trại Nasir Bagh – nơi một trường nữ sinh vừa được thành lập, McCurry tình cờ bắt gặp được một cô gái đặc biệt đôi mắt màu xanh biếc. 

trai_ti_nan_o_Afghanistan
Hình ảnh người dân tị nạn sống vô cùng cực khổ ở Afghanistan.
Ảnh: Publicdelivery.org
Buc_chan_dung_co_gai_Afghanistan
Cô gái có một đôi mắt xanh đặc biệt gây chú ý với nhiếp ảnh gia McCurry.
Ảnh: Publicdelivery.org

Đôi mắt xanh sâu thẳm ấy ngay lập tức đã gây cho ông sự chú ý và ý tưởng thực hiện một bức chân dung cận mặt nảy ra trong đầu ông. Khi McCurry chụp ảnh, cô bé ấy đã lấy tay che mặt. Tuy nhiên, giáo viên của cô bảo cô để lộ khuôn mặt cho thế giới nhìn thấy và biết đến câu chuyện của cô.

Nhìn vào đôi mắt xanh đầy ám ảnh và gương mặt giận dữ trên bức ảnh người ta có thể thấy sự đau khổ, bất công của trẻ em phải gánh chịu trước sự khốc liệt của chiến tranh. Bức ảnh cũng đã trở thành biểu tượng của cuộc xung đột Afghanistan những năm 1980 và tình trạng người tị nạn trên toàn thế giới đang phải đối mặt mỗi ngày. 

Hành trình tìm lại cô bé tị nạn Afghanistan

Trong hơn 17 năm, tên và danh tính của Cô gái Afghanistan vẫn là một bí ẩn cho đến khi McCurry và một nhóm National Geographic tới Afghanistan vào năm 2002 để xác định vị trí của cô ở trong những vùng xa xôi của đất nước. Phi hành đoàn nói chuyện với hàng trăm người, thậm chí với một số người nói rằng cô gái đã chết. Thật may mắn, một người đàn ông cùng tham gia nhiệm vụ của đoàn không chỉ biết cô gái mà còn biết cả anh trai cô và anh đã đưa cả đoàn đến nơi cô ấy sống.

Nhiep_anh_gia_McCurry
Nhiếp ảnh gia McCurry cùng với bức chân dung về cô gái Afghanistan được trưng bài tại phòng triển lãm. Ảnh: Lensmagazine.net
Co_gai_Afghanistan_sau 17_nam
Hình ảnh Sharbat Gula- cô gái tị nạn người Afghanistan sau 17 năm.
Ảnh: Publicdelivery.org

Trước mắt McCurry là một người phụ nữ khoảng 30 tuổi và là mẹ của ba cô gái. Cùng lúc ấy, đoàn phi hành gia đã sử dụng công nghệ nhận dạng võng mạc mắt (Digital iris recognition) để xác nhận rằng cô ấy thực sự là Cô gái Afghanistan ngày ấy. McCurry vô cùng ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt cô bé ngày ấy già đi nhanh chóng trong vòng hai thập kỷ, điều này càng phản ánh hiện thực bị thương của chiến tranh mang lại cho những người phụ nữ.

Khi được phép trò chuyện, ông ấy nói với cô rằng hình ảnh của cô đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Sharbat Gula không đặc biệt quan tâm đến danh tiếng cá nhân mình, nhưng cảm thấy hạnh phúc khi đã trở thành biểu tượng cho phẩm giá và sự kiên cường của người dân Afghanistan.

Sau khi Taliban giành lại quyền lực ở Afghanistan vào tháng 8 năm 2021, Sharbat Gula đã nhờ sự giúp đỡ để rời khỏi đất nước. Tháng 11 cùng năm, cô được sơ tán đến Rome với sự giúp đỡ của chính phủ Ý. Hiện cô đang sống an toàn và bình yên ở Ý cùng gia đình.

Tham khảo

Lensmagazine.net

Publicdelivery.org

Artshelp.com