artLIVE – Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mang sứ mệnh nâng cao kiến thức và hiểu biết về lịch sử, di sản văn hóa, đồng thời góp phần phát huy tinh thần bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.
Nằm ngay trung tâm thủ đô, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một không gian triển lãm mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến thăm Hà Nội. Địa điểm này luôn được đông đảo khách không chỉ trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế đến tham quan. Bảo tàng mang đến góc nhìn trung thực và đầy đủ về người phụ nữ Việt Nam qua các nội dung trưng bày đa dạng và phong phú. Kiến trúc nơi này được thiết kế với phong cách hiện đại và bắt mắt, với nhiều khu vực chủ đề cùng vô số các tài liệu, hiện vật từ nhiều thời kỳ.
Bảo tàng thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Người đặt nền móng cho sự ra đời của Bảo tàng là bà Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đơn vị được xây dựng nhằm lưu giữ những tài liệu, hiện vật lịch sử và những câu chuyện văn hóa với mong muốn giáo dục cho thế hệ mai sau.
Suốt quá trình phát triển, Bảo tàng đã trải qua những cột mốc đáng nhớ:
- 1987: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập.
- 1995: Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách.
- 2010: Bảo tàng ra mắt công chúng với diện mạo mới gồm hệ thống trưng bày với ba chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử và Thời trang nữ.
- 2015 – 2016: Lọt top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á, nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam 2015” và “Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam”.
Mỗi không gian trưng bày được thiết kế tinh tế, kết hợp hài hòa giữa tính khoa học, nghệ thuật và công nghệ, giúp thỏa mãn giác quan và chạm đến cảm xúc của người xem. Không những thế, mỗi hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng đều ẩn chứa những câu chuyện độc đáo về người mẹ, người vợ, người em gái. Dưới góc nhìn đa chiều về vai trò quan trọng của người phụ nữ, các không gian trưng bày thường xuyên được bố trí theo chuỗi hệ thống chủ đề cụ thể nhằm khẳng định giá trị trường tồn của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và đất nước.
Chủ đề Phụ nữ trong gia đình là câu chuyện đầu tiên Bảo tàng muốn truyền tải. Nội dung tập trung miêu tả hình ảnh người phụ nữ từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân, thực hiện thiên chức làm mẹ và một người vợ biết tổ chức cuộc sống gia đình. Đồng thời, các giá trị truyền thống được giới thiệu qua các nghi lễ, tập tục, tri thức và kinh nghiệm dân gian trong hôn nhân, sinh sản và chăm lo cuộc sống gia đình của Phụ nữ Việt Nam.
Tiếp nối câu chuyện là chủ đề Phụ nữ xuyên suốt quá trình lịch sử, Bảo tàng không chỉ tập trung giới thiệu về vai trò và sự tham gia của các thế hệ nữ anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc mà còn đề cập đến muôn mặt cuộc sống đời thường của phụ nữ trong thời chiến. Những câu chuyện cuộc đời với nhiều đóng góp cùng những chiến công hiển hách và sự hy sinh mất mát của họ được khắc họa một cách đậm nét thông qua các hiện vật trong trưng bày. Bên cạnh đó, những bộ phim ngắn cũng được phát tại triển lãm nhằm giới thiệu về cuộc sống của phụ nữ đương đại với phẩm chất nhân hậu, bản lĩnh, nghị lực, tinh thần bất khuất và đầy đam mê dựa trên giá trị truyền thống cao đẹp.
Tạm kết câu chuyện với chủ đề Thời trang nữ, đơn vị mang đến cho khách tham quan những thông tin đa dạng về thời trang và nghệ thuật tạo hoa văn với các kỹ thuật đặc trưng của mỗi dân tộc ở Việt Nam. Nghệ thuật làm đẹp của phụ nữ các dân tộc cũng được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng đồ trang sức, trang điểm; tục nhuộm răng và ăn trầu cũng được khắc họa qua các sưu tập trâm, vòng cổ, hoa tai, vòng tay, xà tích… Tất cả góp phần tôn thêm vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà của người phụ nữ Việt Nam.
Đặc biệt, Bảo tàng còn xây dựng triển lãm chuyên đề mang tên Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm – Đẹp – Vui nhằm giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.
Hơn thế nữa, trung tâm còn tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề với phương pháp tiếp cận mới, phản ánh sự phát triển và thay đổi của xã hội đương đại với những chủ đề văn hóa, lịch sử và các dự án hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em. Không chỉ dừng lại ở đó, khu triển lãm còn là nơi diễn ra những sự kiện trao đổi văn hóa, tiếp nhận hiện vật, tọa đàm hay những chương trình giáo dục hấp dẫn dành cho công chúng.
Để tăng tính trải nghiệm của khách tham quan cũng như cung cấp sâu thông tin của hiện vật, trung tâm đã đưa vào sử dụng hệ thống Thuyết minh tự động – Audio guide với 57 câu chuyện hiện vật tiêu biểu và được giới thiệu bằng sáu thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hàn, Nhật và Tây Ban Nha.
Từ nhiều năm trở lại đây, giáo dục thông qua các chương trình trải nghiệm luôn được đơn vị ưu tiên phát triển. Sau thời gian đóng cửa để cải tiến, đơn vị vừa cho mở cửa trở lại Phòng khám phá dành cho trẻ em. Đây là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục, trải nghiệm mang tính tương tác cao, gồm ba không gian chính: Góc Giới & Giới tính, Góc hoạt động và Góc đọc sách, trong đó lấy hoạt động khám phá giới là chủ đạo. Khu vực này rất phù hợp nhu cầu giáo dục của nhà trường, phụ huynh và các em học sinh.
Trung tâm còn là nơi diễn ra những sự kiện trao đổi văn hóa, tiếp nhận hiện vật, tọa đàm hay những chương trình giáo dục hấp dẫn dành cho công chúng.
Theo đánh giá của nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, Bảo tàng được mọi người nhớ đến không chỉ bởi thông tin đa dạng và chất lượng mà còn hấp dẫn họ bởi không gian hiện đại, sáng tạo cùng đội ngũ hướng dẫn phục vụ tốt. Nếu có dịp đến Hà Nội, hãy một lần ghé qua địa điểm giàu tinh hoa văn hóa và lịch sử này bạn nhé.
Địa chỉ: 36 Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Liên hệ: 024 3825 9936/ 024 3936 1869
Email: info@baotangphunu.org.vn
Facebook: https://www.facebook.com/baotangphunu
Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam