artLIVE – Khủng long từng thống trị Trái Đất trong một khoảng thời gian dài trước khi loài người xuất hiện. Hoá thạch khủng long cũng mang trong mình nhiều bí mật thú vị đang chờ được bật mí.
Nhiều loài khủng long có lớp lông mềm thay vì vảy cứng
Không chỉ những loài khủng long chân chim thuộc nhóm Ornithopoda mới sở hữu những chiếc lông vũ. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều loài khủng long ăn thịt to lớn như Yutyrannus Huali cũng cần lớp lông dày bao bọc cơ thể để giữ ấm. Bộ lông dài (20cm) và mềm mịn như lông gà con trải rộng khắp phần cổ, hai chi trước, và đuôi giúp điều chỉnh thân nhiệt của khủng long suốt mùa đông lạnh giá.
Khủng long T-Rex con đáng yêu hơn bạn nghĩ
Khủng long ăn thịt T-Rex với thân hình đồ sộ và hàm răng sắc bén là nhân vật chính “gieo rắc nỗi kinh hoàng” trong nhiều phần phim Jurassic Park. Tuy nhiên, ít người biết được hình dáng khi còn bé của chúng khá đáng yêu. Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ đã sử dụng công nghệ vi tính tái hiện lại quá trình phá vỏ và trưởng thành T-Rex con. Đoạn phim cho thấy khi còn bé, T-Rex có kích thước như con gà tây, lớp lông tơ mỏng, với đôi mắt lúng liếng dễ thương.
Khủng long là tổ tiên của loài chim hiện đại
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương hóa thạch của các loài chim tiền sử với niên đại khoảng 150 triệu năm. Những dấu vết còn sót lại trên mẫu vật cho thấy chim tiền sử tiến hoá từ khủng long xuyên suốt kỷ Jura. Chúng đã may mắn sống sót sau vụ thảm họa thiên thạch 66 triệu năm trước và phát triển thành nhiều giống chim mà ta thấy ngày nay.
Khủng long từng thống trị mọi ‘ngóc ngách’ trên hành tinh
Khủng long lần đầu tiên đặt chân lên đất liền vào khoảng 230 triệu năm về trước khi các thềm lục địa còn chưa bị chia cắt như bây giờ. Dần dà, các mảng kiến tạo tự nhiên bắt đầu xê dịch và tách ra thành những châu lục rời rạc khiến các loài khủng long cũng theo đó di tản. Chính vì thế, các nhà khoa học đã phát hiện các bộ xương hoá thạch còn nguyên vẹn ở khắp các quốc gia từ Á sang Âu.
Khủng long có thông minh không?
Loài khủng long có thật sự thông minh và tinh quái như những gì chúng ta xem trên phim ảnh? Thật ra, kích thước não và trí thông minh của từng loài khủng long sẽ có độ khác biệt nhất định. Loài Deinonychus (raptor – dinosaur) chuyên sống và đi săn theo bầy được đánh giá khá thông minh, nhanh nhẹn và nhạy bén. Đối lập với chúng, loài khủng long vây kiếm (Stegosaurus) lại có kích thước não chỉ bằng quả chanh vàng so với hình thể khổng lồ dài đến 9 mét.
Hoá thạch khủng long không còn chứa canxi
Quá trình hoá thạch thường diễn ra khi phần thân xác khủng long bị “mắc kẹt” dưới lớp đất đá hàng triệu năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, mạch nước ngầm mang theo lượng khoáng chất dồi dào dần xâm nhập vào cấu trúc xương và thay thế lượng canxi ban đầu. Vì vậy, những bộ xương hóa thạch được trưng bày trong viện bảo tàng thực chất là bản sao bằng đá từ bộ xương gốc.
Khủng long Nigersaurus thay răng liên tục
Một số loài động vật ngày nay cũng có chu kỳ thay răng ngắn để đảm bảo cho quá trình ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng, tuy nhiên chu kỳ của loài khủng long Nigersaurus lại ngắn đáng kinh ngạc.
Cấu tạo răng của chúng rất đặc biệt, với hai đến ba hàng răng “dự phòng” nép sau hai hàm răng chính. Sau chu kỳ 14 ngày, khi hàm răng chính có dấu hiệu mài mòn thì chúng sẽ tự rụng ra và được thay thế bởi những hàng răng phụ phía sau.
Khủng long nuốt đá để hỗ trợ tiêu hoá
Nghiên cứu cho thấy, một số loài khủng long ăn cỏ có kích thước lớn như Sauropod không có phần răng hàm giúp nghiền nát cây cỏ khi ăn nên chúng đã phát triển tập tính nuốt đá. Ngoài ra, loài thằn lằn đầu rắn Plesiosaur cũng hình thành thói quen ăn uống tương tự do hệ tiêu hoá kém phát triển, không đủ sức nghiền nát vỏ sò và ốc. Loại đá ưa thích trên thực đơn của chúng là đá gastroliths kích thước vừa và nhỏ với bề ngoài trơn nhẵn.
Khủng long Pentaceratops sở hữu phần xương sọ lớn nhất hành tinh
Pentaceratops hay còn được biết đến là khủng long ba sừng sở hữu phần xương sọ với đường kính lên đến 3,2 mét – lớn nhất so với các lòng động vật từng sống trên Trái Đất.
Vì sao khủng long lại tuyệt chủng?
Có vô số giả thuyết xoay quanh nguyên do dẫn đến nạn tuyệt chủng của loài khủng long nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất.
Phần lớn công chúng cho rằng chính cơn mưa thiên thạch cách đây 66 triệu năm đã tiêu diệt phần lớn loài khủng long và kéo theo nhiều thảm hoạ tự nhiên. Rừng tự nhiên bị tàn phá, mảnh lục địa chia cắt, núi lửa phun trào, biến đổi khí hậu là một trong số những nguyên nhân khiến loài khủng long tuyệt tích trên Trái Đất.
Tham khảo:
artsandculture.google.com
thefactsite.com